Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Tu viện Thánh Antôn Cả ở Ai Cập

 

Tu viện Thánh Antôn Cả ở Ai Cập

Nằm sâu trong sa mạc phía đông gần Hồng Hải là tu viện Thánh Antôn Cả của Chính Thống giáo, một trong những tu viện cổ nhất thế giới và hoạt động liên tục trong gần 2.000 năm qua.

Tu viện Thánh Antôn Cả tọa lạc cách thủ đô Cairo của Ai Cập khoảng 334km về hướng đông nam. Mỗi năm lại có hàng ngàn khách hành hương và du khách đến thăm viếng. Bất chấp những thay đổi của lịch sử và thời cuộc, các tu sĩ vẫn tiếp tục bám trụ và sống đời tu tại đây suốt gần 2 thiên niên kỷ.


Khởi nguồn xa xưa

Kitô giáo đã lan truyền đến Ai Cập vào thế kỷ thứ nhất Sau Công nguyên. Tu viện Thánh Antôn Cả được các môn đệ của thánh nhân xây dựng và đến nay vẫn là một trong những công trình kiến trúc của Kitô giáo quan trọng bậc nhất Ai Cập. Sinh khoảng năm 251, thánh Antôn Cả xuất thân trong một gia đình giàu có của vùng Hạ Ai Cập. Ngài mồ côi ở tuổi 18, cùng với em gái được hưởng một gia tài lớn từ cha mẹ, đủ để sống sung túc trọn đời. Tuy nhiên, cuộc đời của thánh nhân đã thay đổi hoàn toàn khi ngài lắng nghe Lời Chúa: “Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó” (Mt 19,21); “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Năm 20 tuổi, thánh nhân quyên góp toàn bộ tài sản cho người nghèo, gởi em gái vào một cộng đoàn Trinh nữ, bản thân cũng bắt đầu sống đời tu.

Năm 34 tuổi, thánh Antôn quyết định vào sa mạc phía đông (thuộc sa mạc Sahara) để sống ẩn tu, khiêm cung, đơn độc và suy niệm. Ngài trải qua những ngày tháng bên trong một hang động nhỏ và thu hút nhiều Kitô hữu đến để được nghe ngài thuyết giảng, nhiều người đã trở thành môn đệ của thánh nhân. Những năm trước khi thánh Antôn Cả qua đời vào năm 356 (thọ 105 tuổi), các tín hữu sống quanh hang của ngài. Từ năm 289 đến 300, tu viện Thánh Antôn Cả được xây dựng dưới thời Hoàng đế Chlorus. Ban đầu, tu viện chỉ bao gồm những khu vực thiết yếu nhất. Các môn đệ sống bên trong những căn phòng đơn độc, được xây xung quanh khu vực thờ phượng. Mỗi ngày họ dùng bữa tại nhà ăn chung.

Theo thời gian, các tu sĩ theo chân thánh Antôn Cả dần dần chuyển từ đời sống khổ tu, cô độc để phát triển thành cộng đoàn.

Tu viện Thánh Antôn Cả ngày nay là cụm công trình gồm 5 nhà thờ


Cấu trúc thời hiện đại

Sau nhiều thế kỷ, tu viện Thánh Antôn Cả - ngày nay thuộc Chính Thống giáo - đã phát triển thành một ngôi làng hoạt động khép kín, với các vườn tược, cối xay, tiệm làm bánh và 5 nhà thờ. Những bức tường trong làng được khắc họa hình ảnh các vị hiệp sĩ theo những màu sắc sáng rỡ, còn tranh vẽ các ẩn sĩ có màu sắc trầm hơn. Năm tháng trôi qua, các bức bích họa bị nhạt nhòa theo thời gian. Trong một nỗ lực phối hợp giữa Hội đồng Tối cao về Cổ vật và Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Ai Cập, nỗ lực khôi phục các bức tranh tường đã được triển khai. Thông qua dự án này, các chuyên gia phát hiện nhóm tranh cổ nhất tại tu viện có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến 8, trong khi những bức mới hơn vào khoảng thế kỷ 13.

Trong số những nhà thờ ở tu viện có thể kể đến nhà thờ Trung Cổ Thánh Antôn Cả. Nhà thờ này có niên đại vào thế kỷ 12, đa số các bức tường và mái vòm đều được bao phủ bởi những tranh vẽ. Nơi đây cũng đặt bức tranh cổ nhất trong quần thể tu viện, mô tả lại hình ảnh của Chúa Giêsu và 12 tông đồ, niên đại thế kỷ thứ 7. Các nhà thờ khác có thể kể đến nhà thờ Các Thánh Tông Đồ. Năm 2005, những phòng ở của tu sĩ từ thế kỷ thứ tư đã được tìm thấy bên dưới nhà thờ. Đây cũng là những căn phòng cổ nhất trong khuôn viên.

Tất nhiên không thể bỏ sót chiếc hang nơi thánh Antôn Cả từng ẩn tu và suy niệm. Cái hang cách tu viện khoảng 2 cây số và ở độ cao 680m so với mực nước của Hồng Hải. Đây là một cái hốc đá tự nhiên ở phần sườn núi phía nam của núi Galala. Những người viếng thăm có thể đi bộ đến nơi trong vòng 1 giờ. Cái hang đặc biệt nhỏ, sâu khoảng 7m tính từ miệng hẹp của hang.

Năm 2002, chính phủ Ai Cập khởi động dự án kéo dài 8 năm, chi phí 14,5 triệu USD để khôi phục và trùng tu toàn bộ tu viện. Bức tường chính bao quanh tu viện được trùng tu, cùng 2 nhà thờ, nơi ở của các tu sĩ và tháp. Phía công nhân cũng bổ sung hệ thống đường nước thải hiện đại, tạo thuận lợi hơn cho các tu sĩ đang sinh sống tại đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét