Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Giải đáp bí ẩn về kết cục của khu mỏ thời Vua Solomon

 

Giải đáp bí ẩn về kết cục của khu mỏ thời Vua Solomon

Kết quả phân tích mẫu than đá 3.000 năm tuổi cho phép hé lộ nguyên nhân đằng sau số phận của mỏ đồng vào thời vua Solomon ở miền nam Israel, theo báo cáo trên Nature Scientific Reports.

Trong nhiều thế kỷ, những khu mỏ sa mạc tại Thung lũng Timna, hiện thuộc miền nam Israel, đã mang đến nguồn lợi nhuận dồi dào dưới dạng kim loại đồng được giao dịch khắp vùng Địa Trung Hải vào thời cổ đại. Chúng được gọi chung là mỏ của Vua Solomon. Tuy nhiên, cách đây khoảng 3.000 năm, vào đầu thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên, hoạt động khai thác mỏ khổng lồ ở đây đột ngột chấm dứt, và nhiều năm sau đó chỉ được nối lại với quy mô nhỏ hơn nhiều vào thời La Mã.

Các nhà khảo cổ học của Đại học Tel Aviv (Israel) vừa đưa ra giả thuyết mới nhằm giải thích chuyện gì đã xảy ra. Họ phát hiện việc khai thác quá mức cây cối ở miền nam Israel để làm than đá phục vụ mỏ đã gây ra tổn hại sinh thái ở mức vô phương đảo ngược, khiến ngành mỏ không thể tiếp tục duy trì vì chi phí quá sức đắt đỏ. Đồng thời, hệ sinh thái địa phương cũng hoàn toàn bị phá hủy.

Các nhà khoa học đang khảo sát khu mỏ

Kinh phí xây Đền thờ Thứ nhất

Thung lũng Timna nằm cách vịnh Eilat khoảng 20 cây số về hướng bắc, thuộc phần phía nam của sa mạc Arava ở miền viễn nam Israel. Nằm nép mình giữa những vách núi sừng sững, thung lũng có hệ sinh thái tự nhiên thuộc về Vành đai sa mạc Sahara - Ả Rập. Những đặc điểm của hệ sinh thái bao gồm thảm thực vật thưa thớt, chủ yếu chạy dọc theo các lòng suối xuất hiện theo mùa và ở các ốc đảo. Trong trường hợp này, hai ốc đảo Evrona và Yotvata đều cách từ 10-15km so với Thung lũng Timna.

Kể từ thời đại đồ đồng đá (thiên niên kỷ thứ 5 Trước Công nguyên) và đặc biệt trong giai đoạn cuối thời đồ đồng và đầu thời đồ sắt (thế kỷ 13 đến thứ 9 Trước Công nguyên), môi trường khắc nghiệt này lại là một trong những trung tâm khai thác đồng quan trọng nhất vào thời cổ đại. Bị suy yếu vì xung đột nội bộ, Ai Cập rút khỏi khu vực, để lại ngành mang đến lợi nhuận đầy béo bở này cho người Edom địa phương.

“Giờ đây, chúng ta biết được sản lượng đồ đồng đã đạt đến đỉnh điểm vào thời các vua David và Solomon”, giáo sư Erez Ben-Yosef, Giám đốc dự án khai quật khảo cổ tại Timna, đề cập các vị vua được nhắc trong Cựu Ước. “Tuy ít nhắc đến các khu mỏ, nhưng qua nội dung của Cựu Ước, chúng ta biết được vua David chinh phục Timna, lúc đó tên Edom, và xây dựng lực lượng đồn trú trên khắp mảnh đất này, vì thế người Edom bị thu phục và người con là vua Solomon sử dụng đồng khai thác với sản lượng khổng lồ ở đây cho việc xây dựng Đền thờ Thứ nhất ở Jerusalem”, chuyên gia người Israel phân tích.

Hậu quả của phá hoại môi trường

Muốn chiết xuất đồng từ quặng, người xưa phải nung quặng trong các lò đất ở nhiệt độ 1.200 độ C. Sau mỗi mẻ đồng, lò nung bị phá hủy. Phần than đá và các mảnh vụn luyện kim bị đổ xuống những gò đất, tạo thành chứng cứ cho người đời sau nghiên cứu.

Để tìm ra câu trả lời cho vai trò của môi trường đối với ngành khai thác quặng đồng ở Timna, các chuyên gia của Đại học Tel Aviv thu thập và phân tích hơn 1.200 mẫu than đá. Họ tập trung vào nhóm mẫu vật có từ cuối thế kỷ thứ 11 Trước Công nguyên tại 2 khu vực chính. Kết quả cho thấy ¾ số than đá có nguồn gốc từ hai loài cây địa phương, lần lượt là cây keo và cây chổi trắng (cây thuộc họ đậu). Cả hai loài cây này đều có những lớp xơ dày và mật độ gỗ cao, cho phép chúng trở thành vật liệu nung đốt ở nhiệt độ cao.

Than của cây chổi trắng đã được ghi chép trong Thánh Vịnh (120:4): “Giáng toàn mũi tên nhọn của người chiến binh, thêm những hòn than đậu đỏ hồng”. Tuy nhiên, theo thời gian, đến khoảng giữa thế kỷ thứ 10 Trước Công nguyên, những loài cây này dần dần biến mất do tốc độ khai thác quá mức của người thời đó. Thợ mỏ buộc phải đi xa hơn để tìm kiếm nguyên liệu làm than, trong đó có cây chà là từ ốc đảo, cây hồ trăn và cây bách xù vốn chỉ tìm thấy ở những vùng cao hơn và có lượng mưa nhiều hơn. Kết quả là chi phí vận chuyển và thời gian tìm than quá đắt đỏ. Đến giữa thế kỷ thứ 9 Trước Công nguyên, sau khi ngốn khoảng 30.000 tấn gỗ làm nhiên liệu, các khu mỏ đồng bị đóng cửa.

Cây cối nhiều giúp hệ sinh thái địa phương giữ được nhiều nước, chủ yếu tập trung ở phần rễ và cành của cây, đóng vai trò then chốt cho chu kỳ nước của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều loài như cây keo và cây chổi trắng giúp duy trì sự ổn định của đất, cho phép thảm thực vật nảy mầm và bảo vệ đất trước nguy cơ suy thoái. Hành động khai thác quá nhiều cây cối để phục vụ cho các mỏ đồng đã gây ảnh hưởng không thể đảo ngược đối với năng lực giữ ẩm của hệ sinh thái.

Các nhà nghiên cứu kết luận ngành khai thác đồng thời xưa cuối cùng đã đẩy môi trường địa phương đến ngưỡng sụp đổ, và đến nay vẫn chưa thể hồi phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét