Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Tìm thấy mộ phần chính xác của thánh Nicôla

 

Tìm thấy mộ phần chính xác của thánh Nicôla

Các nhà khảo cổ học ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện nơi chôn cất ban đầu của thánh Nicôla, vị giám mục vào thế kỷ thứ tư và được xem là nguồn cảm hứng cho hình tượng ông già Noel ngày nay.

Quách bằng đá

Các chuyên gia khảo cổ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vừa khai quật thành công nơi chôn cất ban đầu của thánh Nicôla. Trong khi các nhà nghiên cứu đã biết vị thánh được chôn cất tại nhà thờ cùng tên có niên đại từ thế kỷ thứ tư ở tỉnh Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, di hài của ngài bị đánh cắp vào khoảng 700 năm kể từ thời điểm qua đời. Vì thế, lâu nay địa điểm hạ táng ban đầu của thánh Nicôla vẫn là điều bí ẩn.

Giờ đây, những manh mối được thu thập trong quá trình triển khai cuộc khai quật mới tại nhà thờ, bao gồm những nét tương đồng trong kiến trúc xây dựng với nhà thờ Mộ Chúa ở Jerusalem và sự tồn tại của tấm phù điêu vẽ Chúa Giêsu, cho thấy đây nhiều khả năng điều bí ẩn đã tìm được lời giải.

Nỗ lực khai quật mới

Tại thành phố Demre hiện đại bên bờ nam của Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thờ Thánh Nicôla được xác định xây dựng vào năm 520 bên trên một nhà thờ cổ hơn, nơi thánh nhân từng đảm nhiệm vai trò Giám mục vào thế kỷ thứ tư. Lúc đó thị trấn này tên gọi Myra và là nơi hành hương nổi tiếng đối với các Kitô hữu toàn cầu sau khi thánh Nicôla qua đời vào năm 343. Ngài từng bị ra lệnh hành hình dưới thời Hoàng đế La Mã Diocletian vì đức tin. Tuy nhiên, lệnh hành hình chưa kịp thực hiện thì Hoàng đế Constantine lên nắm quyền và hợp thức hóa Kitô giáo.

Sau khi được trả tự do, thánh Nicôla tham gia Công đồng Nicaea năm 325. Ngài qua đời vào ngày 6.12.343 ở Myra và được chôn cất tại nhà thờ Chánh tòa. Ðến nay, thông tin về cuộc đời của thánh Nicôla không nhiều. Những tài liệu còn được lưu lại cho biết ngài đã giải cứu 3 chị em của một gia đình nghèo khổ khỏi cảnh đời u ám, chặt tận gốc một thân cây bị quỷ ám, hồi sinh 3 đứa trẻ bị sát hại… Vị thánh cũng thường xuyên hiến tặng tiền từ gia sản khổng lồ được thừa hưởng của gia đình cho người nghèo một cách ẩn danh. Ðó cũng là lý do huyền thoại về ông già Noel ra đời sau khi thánh nhân về với Chúa.

Bức phù điêu ở nhà thờ

Không may là vào năm 1087, một số người ở Bari (Ý) muốn tìm cách lấy đi hài cốt của vị thánh khỏi thành phố Myra, theo ghi chép của học giả về thời Trung Cổ là Charles W. Jones (người Mỹ). Nhóm này lên kế hoạch “phá cổng nhà thờ, mang hài cốt của thánh Nicôla theo”, và âm mưu này đã được thực hiện trót lọt. Ða số hài cốt của vị thánh biến mất khỏi mộ phần và chỉ còn lại vài mẩu xương và chiếc quan tài đá bị phá vỡ.

Bất chấp hành động báng bổ trên, nhà thờ Thánh Nicôla ở Demre vẫn tiếp tục được duy trì suốt hơn một thiên niên kỷ, cho đến khi các nhà khảo cổ học bắt đầu dự án khai quật ở đây vào đầu thế kỷ 20. Trong quá trình làm việc, đội ngũ chuyên gia tìm thấy dấu vết của nhà thờ ban đầu, bị chôn vùi bên dưới nhiều lớp cát và phù sa. Mới đây, ông Osman Eravşar, Chủ tịch Ủy ban Bảo quản Di sản Văn hóa Khu vực Antalya, tuyên bố đã tìm thấy vị trí ngôi mộ ban đầu của thánh Nicôla, nằm bên dưới bức phù điêu vẽ Chúa Giêsu.


Những manh mối

Sau khi nước biển dâng lên khiến nhà thờ đầu tiên bị ngập, nhà thờ thứ hai được xây dựng bên trên nhà thờ ban đầu. Trả lời phỏng vấn hãng tin DHA của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Eravşar cho biết nỗ lực khai quật hiện tại cho phép tìm đến phần nền của nhà thờ ban đầu từng đặt dấu chân của thánh Nicôla khi ngài còn sống. “Ðây là phát hiện vô cùng quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên giới khoa học tìm đến tàn tích nhà thờ vào giai đoạn vị thánh còn tại thế”, theo ông Eravşar.

Bên cạnh đó, nơi chôn cất ban đầu của thánh Nicôla cũng được tìm thấy. Khi những kẻ trộm mộ đến từ Bari lấy đi hài cốt của ngài vào thế kỷ 11, họ đồng thời xô đẩy một số quan tài đá khác khỏi vị trí, nhằm che giấu nơi chốn ban đầu của quan tài chứa thi hài vị thánh. Ông Eravşar cho biết quan tài của thánh Nicôla phải được đặt ở vị trí đặc biệt bên trong nhà thờ, nơi đặt mái vòm. Tại đây, các nhà nghiên cứu phát hiện bức phù điêu mô tả cảnh tượng Ðức Giêsu tay trái cầm Thánh Kinh, tay phải ban phép lành. Và viên gạch lót sàn bằng cẩm thạch với dòng chữ Hy Lạp cổ đại có nghĩa là “ân sủng” được cho là nơi đánh dấu vị trí ngôi mộ ban đầu của ngài.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra những manh mối khác, chẳng hạn hình dạng của nhà thờ cũng là một chỉ dấu quan trọng. Cũng như nhà thờ Mộ Thánh, nhà thờ Thánh Nicôla cũng có mái vòm xây dang dở. Vào thời điểm được Sa hoàng Alexander II ra lệnh trùng tu vào thập niên 1860, mái vòm vẫn trong trạng thái không hoàn chỉnh. Việc duy trì một mái vòm trong tình trạng dang dở có lẽ nhằm liên kết về cuộc đời của thánh Nicolas với câu chuyện Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá và sau đó về trời.

Công trình khảo cổ tại nhà thờ Thánh Nicôla ở Demre

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét