Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Nhà thờ tại gia cổ nhất thế giới

 

Nhà thờ tại gia cổ nhất thế giới

Nhà thờ Dura-Europos, xây dựng từ năm 232 ở Dura - Europos (Syria), được cho là nhà thờ tại gia lâu đời nhất và trước chiến tranh Syria cũng là một trong những nhà thờ cổ nhất của Kitô giáo còn tồn tại đến ngày nay.

Nhà thờ được khai quật nhờ vào công của một đội ngũ khảo cổ học Pháp - Mỹ trong hai mùa làm việc từ năm 1931 đến 1932. Những bức bích họa còn sót lại bên trong phòng Rửa tội của nhà thờ có lẽ là thuộc nhóm tác phẩm hội họa cổ nhất của Kitô giáo. Hiện những tranh này được bảo quản tại Phòng tranh của Đại học Yale ở TP New Haven, bang Connecticut của Mỹ.

Truyền thống của nhà thờ tại gia

Trước thời của những vương cung thánh đường và nhà thờ quy mô lớn, các tín hữu thời xưa thực hành đức tin bên trong những nhà thờ tại gia khép kín của cộng đồng. Điều này do tình trạng bách hại diễn ra trong 3 thế kỷ đầu tiên Sau Công nguyên. Các tín hữu không còn cách nào khác là phải vinh danh Thiên Chúa trong thầm lặng, dẫn đến sự ra đời của nhiều nhà thờ tại gia.

Trong số các nhà thờ tại gia, nhà thờ ở Dura - Europos được xem là cổ nhất. Nhìn bề ngoài, nhà thờ chẳng khác gì những ngôi nhà bình thường thời đó. Thế nhưng bên trong các bức tường là những căn phòng dành cho hoạt động thờ kính Thiên Chúa. Theo mô tả trên trang Wonder Mondo, lịch sử của Dura - Europos có từ lâu trước khi nhà thờ được xây dựng. Ban đầu, năm 303 Trước Công nguyên, nơi đây là một pháo đài được người Macedonia xây dựng sau khi Alexander Đại đế băng hà. Pháo đài tọa lạc trên vị trí giao thoa của những tuyến lưu thông hàng hóa quan trọng thời đó.

Tên “Dura” trong tiếng Assyrian là thành phố pháo đài và “Europos” có nghĩa đây là nơi thuộc quyền cai trị của người Macedonia. Đến thế kỷ thứ hai, nơi này phát triển thành đô thị và nhanh chóng trở thành trung tâm quan trọng của khu vực. Sau đó, Dura - Europos rơi vào tay của người Parthia. Phải đợi đến năm 165 Sau Công nguyên, người La Mã mới kiểm soát được Dura-Europos. Vào thời điểm thịnh vượng nhất, thành phố có khoảng 5.000 dân theo cơ chế đa chủng tộc.

Khu vực khai quật nhà thờ

Lịch sử của nhà thờ

Khoảng năm 233 hoặc trễ hơn, một trong những ngôi nhà ở Dura - Europos được bí mật cải tạo thành nhà thờ tại gia. Ngôi nhà nằm ở phần tây nam của thành phố, gần tường thành. Nơi đây được cho thuộc về một người chủ giàu có, và phần bên ngoài vẫn được giữ nguyên như những ngôi nhà thời ấy. Tuy nhiên, bên trong hoàn toàn khác biệt.

Ở giữa là một cái sân, và những căn phòng dành cho việc thờ Chúa được xây xung quanh. Phòng lớn nhất là phòng hội họp, dâng lễ, được làm từ việc phá bức tường giữa hai căn phòng nhỏ. Kế đến là phòng giảng dạy giáo lý, và cuối cùng là phòng Rửa tội, cũng là căn phòng thú vị nhất trong nhà thờ vì xung quanh được gắn nhiều bức bích họa.

Trong số này có thể kể đến bức “Mục Tử Nhân Lành”, bức “Chữa lành cho người bị liệt” và bức “Chúa Giêsu cùng Phêrô đi trên mặt nước”. Một bức bích họa lớn hơn mô tả 3 người phụ nữ, nhiều khả năng đây là bức tranh về 3 phụ nữ tên Maria thăm mộ phần của Chúa Giêsu. Một số bức khác vẽ sự tích Adam và Eva cũng như câu chuyện về David và Goliath.

Quân đội Ba Tư đã tấn công thành phố Dura-Europos và khoảng năm 256, chiếm được thành này. Phong trào kháng chiến diễn ra quyết liệt. Người Ba Tư rất giỏi đào hầm bên dưới các bức tường thành và những cuộc xung đột đã diễn ra bên trong những đường hầm đó. Các bên còn thậm chí dùng đến hơi độc để tiêu diệt đối thủ. Nhằm ngăn chặn nguy cơ bị đào hầm dễ dàng bên dưới các bức tường, người La Mã đã dùng gạch vụn và sỏi đá chất đầy những căn nhà gần tường thành. Nhà thờ tại gia nằm trong số những ngôi nhà được gia cố.

Khi người Ba Tư chiếm được thành phố, họ trục xuất những người sống sót và nơi này lâm vào tình trạng bị bỏ hoang, quên lãng theo thời gian. Bị quên lãng nhưng không bị tàn phá nên nhà thờ tại gia và các bức bích họa cổ của Kitô giáo vẫn còn tồn tại đến thời điểm một lần nữa được khai quật.

Dura-Europos được phát hiện vào năm 1885 và người Mỹ, người Pháp tổ chức các đợt khai quật trên diện rộng trong thập niên 1920 và 1930. Các nhà khảo cổ học vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện những báu vật tại cổ thành khi xưa. Thậm chí họ còn tìm được những cuộn giấy được viết bằng tiếng Do Thái. Kết quả giải mã những cuộn giấy này cho thấy đây là văn bản ghi lại những lời cầu nguyện Thánh Thể.

Tuy nhiên, chiến tranh một lần nữa nổ ra ở Syria. Sau thời gian tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) kiểm soát nơi này, tàn tích nhà thờ hứng chịu sự tàn phá dữ dội. Đến nay vẫn chưa rõ tình trạng hiện tại của nhà thờ.

Những bức bích họa trong phòng Rửa tội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét