Nhà thờ Chánh tòa cổ bậc nhất thế giới

Ngôi thánh đường này là điểm được nhiều người tham quan nhất và cũng nổi tiếng nhất ở TP Split của Croatia. Tháp chuông của nhà thờ trở thành biểu tượng của thành phố lớn thứ hai Croatia và là chiếm phần chủ đạo trên huy hiệu của thành phố.


Vinh danh vị thánh tử đạo

Nhà thờ Chánh tòa Thánh Domnius (tên Croatia là Katedrala Svetog Duje) của Tổng Giáo phận Split-Makarska, được dân địa phương gọi là Sveti Dujam. Nhà thờ là một cụm công trình, khởi đầu được xây dựng vào năm 305, vốn là lăng mộ Hoàng đế La Mã Diocletian (trị vì năm 284-305). Bản thân Hoàng đế Diocletian là người khởi xướng phong trào bách hại giáo dân Kitô và phải đợi đến thời Constantinus Đại đế mới ban bố sắc lệnh chấm dứt truy sát tín hữu trên toàn quốc.

Đến thế kỷ 7, lăng mộ trở thành nhà thờ Chánh tòa, với thánh tích của các thánh tử đạo Domnius và Anastasius được lưu giữ trang trọng tại các khu vực riêng trong nhà thờ. Nhà thờ được cung hiến cho Đức Mẹ Maria, vòn tháp chuông cao 57m nhằm vinh danh thánh Domnius. Tên của ngôi thánh đường cũng được đặt theo tên thánh Domnius, quan thầy của thành phố Split. Thế kỷ thứ ba, thánh nhân là Giám mục Salona. Salona là một thành phố lớn của La Mã, đóng vai trò thủ phủ tỉnh Dalmatia. Ngày nay Salona nằm gần thành phố Solin của Croatia. Thánh Domnius tử đạo cùng 7 tín hữu khác dưới thời Hoàng đế Diocletian tàn bạo. Thánh Domnius là người Antioch (hiện thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), và bị hành hình năm 304 ở Salona.

Nhà thờ Chánh tòa Thánh Domnius được cấu tạo từ 3 phần và được xây dựng vào những thời đại khác nhau. Như đã đề cập ở trên, phần cổ nhất là lăng mộ hoàng đế La Mã, được xây dựng bằng đá vôi trắng khai thác ở địa phương và đá cẩm thạch chất lượng cao. Còn tháp chuông nổi tiếng được xây dựng vào năm 1100 theo kiến trúc La Mã. Đến đầu thế kỳ 20, tháp chuông trải qua đại trùng tu, và nhiều tượng điêu khắc từ thời La Mã đã bị tháo dỡ.

Nhà thờ cũng chứa một trong những mẫu điêu khắc La Mã được bảo tồn tốt nhất ở Croatia, đó là những cánh cửa bằng gỗ xuất phát từ bàn tay của nghệ nhân Andrija Buvina vào khoảng năm 1214. Hai cánh cửa được chạm khắc tổng cộng 14 cảnh tượng từ cuộc đời của Chúa Giêsu.


Nhiều cổ vật quý giá

Nhà thờ Chánh tòa Thánh Domnius là nơi đặt thánh tích thánh Domnius, vốn được đưa vào đây sau khi ngài tử đạo. Bàn thờ chính được thực hiện vào năm 1685 và đến 1689 mới hoàn thành. Còn bàn thờ bên phải, nơi đặt thánh tích thánh Domnius, là tác phẩm của nhà điêu khắc Morlaiter vào năm 1767.

Những báu vật khác của nhà thờ bao gồm những tác phẩm về đề tài Kitô giáo, như bức tranh vẽ Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng từ thế kỷ 13; chén thánh và hòm thánh tích được tạo tác từ thế kỷ 13 đến 19. Nhà thờ còn bảo quản được những cổ thư quý giá về Kitô giáo và lịch sử, có từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ 13. Tán che trên bàn thờ là công trình của nghệ nhân Bonino da Milano vào năm 1427 theo phong cách Gothic. Còn các bức bích họa về bốn thánh sử là tuyệt phẩm từ bàn tay tài hoa của họa sĩ Dujam Vušković người địa phương vào năm 1429.

Bên trong nhà thờ có nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ vô giá

Bàn thờ bên trái là dành cho thánh tử đạo Anastasius, vị thánh bổn mạng thứ hai của Split. Chính kiến trúc sư và nhà điêu khắc vĩ đại người Croatia Juraj Dalmatinac đã hoàn thành bàn thờ này năm 1448. Ấn tượng nhất là bức phù điêu trung tâm khắc họa hình ảnh Chúa Giêsu bị quất roi.

Ngày nay, nhà thờ Chánh tòa Thánh Domnius vẫn là nơi dâng lễ và tổ chức những sinh hoạt nhà đạo như từ hơn 1.000 năm qua. Mỗi Chúa nhật, thánh lễ thu hút sự tham gia đông đảo của các tín hữu và người hành hương, cùng khách du lịch. Ngày 7.5 hằng năm, lễ kính thánh Domnius, Tổng Giáo phận Split-Makarska tổ chức cuộc rước truyền thống và đã trở thành ngày hội lớn của thành phố.

Bàn thờ thánh tử đạo Anastasius