Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

Tàn tích tu viện trước thời Hồi giáo ở UAE

 

Tàn tích tu viện trước thời Hồi giáo ở UAE

Các nhà khảo cổ học cho rằng họ đã phát hiện một tu viện Kitô giáo vô cùng cổ xưa, trước khi Hồi giáo được truyền bá khắp bán đảo Ả Rập, trên một hòn đảo ngoài khơi Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).

Tu viện trên đảo Siniyah, vốn là một phần nối dài từ cồn cát của thành phố Umm al-Quwain, đã mang đến thông tin mới về lịch sử của đạo Kitô thời đầu tại khu vực dọc theo Vịnh Ba Tư.


Hòn đảo đặc biệt

Siniyah là hòn đảo che chắn và bao quanh khu đầm lầy Khor al-Beida của Umm al-Quwain, tiểu vương quốc cách Dubai khoảng 50 cây số về hướng đông bắc, dọc theo bờ biển của Vịnh Ba Tư. Tên của hòn đảo có nghĩa là “ánh sáng chói lóa”, nhiều khả năng được đặt theo hiệu ứng ánh sáng khi mặt trời lên cao. Đảo có nhiều cồn cát tỏa ra như những ngón tay ngoằn ngoèo. Trên một cồn cát, các nhà khảo cổ học phát hiện tàn tích tu viện.

Kết quả xác định niên đại bằng đồng vị cacbon đối với phần móng của tu viện cho thấy cấu trúc tại đây được xây dựng trong giai đoạn từ năm 534 đến 656. Nhà tiên tri Muhammad của đạo Hồi sinh khoảng năm 570 và qua đời năm 632 sau khi chinh phục thành công Mecca, hiện nay ở Ả Rập Xê Út. Vì thế, nhiều khả năng tu viện tồn tại trước khi đạo Hồi được phát triển và lan rộng ở Trung Đông.

Nhìn từ trên xuống, phần móng của tu viện cho thấy các Kitô hữu đời đầu đã cầu nguyện bên trong một nhà thờ có một lối đi duy nhất của tu viện. Nhà thờ có khu vực để Rửa tội, bàn thờ lớn nằm bên trong một gian và có địa điểm đặt rượu lễ. Theo giới truyền thông UAE, một dự án khảo cổ đã giúp khai quật tổ hợp kiến trúc bao gồm nhà thờ, tu viện, nhà ăn, nơi ở của tu sĩ và các bồn chứa nước.

Các nhà khảo cổ học phát hiện tàn tích tu viện trên một cồn cát


Ngôi làng của Kitô hữu?

Mới đây, Bộ trưởng Văn hóa và Thanh niên UAE Noura bint Mohammed al-Kaabi đến thăm tàn tích trên đảo Siniyah. Cùng đi với bộ trưởng là ông Majid bin Saud Al Mualla, Chủ tịch Sở Du lịch và Khảo cổ Umm al-Quwain. Hòn đảo hiện vẫn thuộc quyền bảo trợ của gia đình hoàng gia, cho phép bảo vệ khu vực và tạo điều kiện để phát hiện các tàn tích lịch sử trong bối cảnh UAE vẫn trên đà xây dựng, phát triển nhanh chóng.

Bộ Văn hóa và Thanh niên UAE là bên tài trợ cho dự án khai quật trên đảo Siniyah. Cách nhà thờ vài trăm mét, đội ngũ khảo cổ cũng tìm được nhiều cấu trúc nhà cửa, mà họ cho rằng thuộc về một ngôi làng trước thời của đạo Hồi. Dù cần được chứng minh, nhưng cũng có thể ngôi làng là nơi định cư của các Kitô hữu đời đầu ở khu vực.

Trưng bày các mẫu vật được khai quật

Đây cũng là tu viện thứ hai được khai quật ở UAE, có niên đại cách đây khoảng 1.400 năm. Tu viện tồn tại lâu trước khi vùng sa mạc thai nghén và khai sinh ngành công nghiệp dầu mỏ cho phép hình thành các tiểu vương quốc Ả Rập, quê hương của những tòa nhà chọc trời ở Abu Dhabi và Dubai.

Đầu thập niên 1990, các nhà khảo cổ học cũng tìm được tu viện Kitô giáo đầu tiên của UAE trên đảo Sir Bani Yas, ngoài khơi Abu Dhabi và gần biên giới với Ả Rập Xê Út. Niên đại của tu viện đầu tiên cũng tương đồng với giai đoạn tồn tại của tu viện thứ hai vừa được phát hiện. Hai tu viện đã mất tích trong dòng lịch sử và bị chôn vùi dưới những lớp cát bụi trong quá trình đạo Hồi ngày càng phát triển tại khu vực.

Ngày nay, số người theo Kitô giáo vẫn là cộng đồng thiểu số trên khắp Trung Đông. Chuyến tông du vừa qua của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Bahrain - quốc gia Hồi giáo ở khu vực này - nhằm thúc đẩy đối thoại liên tôn với các lãnh đạo Hồi giáo. Theo ông Timothy Power, giáo sư khảo cổ học của Đại học UAE hỗ trợ cuộc nghiên cứu tại tàn tích tu viện vừa được tìm thấy, đề cập một thực tế: UAE thời hiện đại là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa và dân tộc. “Thế nhưng, cả ngàn năm trước điều tương tự cũng đã diễn ra trên mảnh đất này. Câu chuyện đáng được kể lại và lan tỏa”, ông nhận định.

Vị giáo sư cho biết tu viện đã không trở thành nạn nhân trong một cuộc xung đột giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Nơi này dần dần bị bỏ hoang, và hoàn toàn không có dấu vết bị tàn phá hoặc bạo lực hoặc hỏa hoạn. Giáo sư Power cho rằng sự tồn tại của tu viện và sau đó là sự xuất hiện và lan tỏa của Hồi giáo cho thấy vùng đất này thời xưa là minh chứng cho một xã hội đa tôn giáo và sống hòa hợp với nhau.

Dấu ấn của Kitô giáo trải khắp nơivào thời cổ đại

 

Giới sử gia cho biết những nhà thờ và tu viện cổ xưa đã được xây dựng khắp Vịnh Ba Tư đến bờ biển của nước Oman ngày nay và trải dài đến Ấn Ðộ. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những nhà thờ và tu viện tương tự ở Bahrain, Iraq, Iran, Kuwait và Ả Rập Xê Út.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét