Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

Nhà thờ Giáo xứ Phương Quan

 Nhà thờ Giáo xứ Phương Quan

Thôn Trần Phú, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình

Phương Quan đón tin mừng từ rất sớm, theo truyền khẩu là vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Từ những hạt giống ít ỏi, đầu tiên đó và trải qua hơn 100 năm, từ một giáo họ, Phương Quan chính thức được Giáo phận ban Sắc nâng lên hàng Giáo xứ vào ngày 7 tháng 10 năm 2020.

 

 

Theo các cụ cao niêm, Phương Quan được đón nhận Tin Mừng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Hạt giống Tin Mừng nhanh chóng bén rễ và trổ sinh hoa trái, chỉ sau một thời gian, số tín hữu lên đến 120 người.  

 

 

Năm 1887, Giáo họ được thành lập, nhận lễ Chúa Kitô Vua làm bổn mạng và dựng một ngôi Nhà thờ nhỏ bằng gỗ lim 4 hàng cột dài 24m, rộng 9m.

Năm 1938, cha chính Batôlômêô Ân và Giáo họ xây nhà phòng dài 20m, rộng 4m, cao 6m làm nơi sinh hoạt chung.

 

 

Năm 2000, cha xứ và Giáo họ xây tháp chuông cao 33m.

Năm 2001, cha xứ và Giáo họ cùng sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần đã xây dựng Nhà thờ mới với chiều dài 32m, rộng 13m và cao 18m như ngày nay.

 

Nhà thờ Giáo xứ Bản Lìm

 Nhà thờ Giáo xứ Bản Lìm

Thôn Bản Lìm, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn

Bản Lìm đã được tin mừng gieo xuống từ khoảng năm 1917 và ngôi Thánh đường hiện nay đã được xây dựng từ năm 1921 bởi cha Bréboion Uý – một linh mục thừa sai Đa minh người Pháp.

 

 

Nhà thờ Bản Lìm là ngôi Nhà thờ độc đáo của Giáo phận Lạng Sơn: được xây dựng không phải bằng gạch, xi măng cốt thép, hay gỗ, mà bằng đất còn gọi là Trình tường (cách làm Nhà của anh chị em dân tộc). Cho tới nay, trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, ngôi Thánh Đường vẫn giữ nguyên dáng vẻ uy nghiêm và vững chắc. Sự vững chãi của Nhà thờ Bản Lìm là biểu tượng cho đức tin Kitô giáo được cắm rễ sâu chắc tại vùng đất này dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đã có những lúc tưởng chừng như đức tin bị mai một theo dòng đời với những khắc nghiệt nhất, nhưng với Ơn Chúa và sự nâng đỡ của Giáo hội, các Đức Giám mục, nên đã dần phục hồi và đem lại vị thế vốn có của một Giáo xứ khiêm tốn và mộc mạc như Đất tường Nhà thờ, biểu tượng cho Đức Tin được cắm sâu vào lòng Đất Mẹ. 

 

 

Nhà thờ Bản Lìm cách Toà Giám Mục Lạng Sơn khoảng 15km, từ xa, khuất sau câu Thánh Giá trên đỉnh Nhà thờ hơn 100 tuổi này là trùng trùng những lớp núi, như những búp cây xếp lớp lớp xanh ngút ngát vươn lên trời cao.

Nhà thờ Giáo xứ Trà Vy

 Nhà thờ Giáo xứ Trà Vy

Thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Hạt giống đức tin được gieo vãi trên mảnh đất Trà Vy từ thời vua Gia Long (1802 – 1820), do các thừa sai dòng Đaminh rao giảng. Sau đó, Trà Vy trở thành họ lẻ của xứ Cổ Việt, nhận Thánh Giuse làm quan thầy.

 

 

Năm 1888, khi thành lập xứ Thân Thượng, thì họ Trà Vy được sát nhập vào xứ này. Lúc ấy, Trà Vy là họ lẻ lớn nhất với số nhân danh lên đến hơn 700.

Năm 1937, Giáo họ Trà Vy lại được tách ra khỏi xứ Thân Thượng và được nâng lên hàng Giáo xứ.

 

 

Sau hơn 102 năm, ngôi Nhà thờ Trà Vy đã xuống cấp nên ngày 8 tháng 9 năm 1997 Giáo xứ khởi công xây dựng ngôi Thánh đường với chiều dài 48m, rộng 16m và được cắt băng khánh thành vào ngày 12 tháng 5 năm 1999.

 

Nhà thờ Giáo xứ Thiên Lộc

 Nhà thờ Giáo xứ Thiên Lộc

Thôn Thiên Lộc, xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

Giáo xứ Thiên Lộc được Giáo phận chính thức nâng từ Giáo họ lên hàng Giáo xứ ngày 2 tháng 12 năm 2006 và gồm các giáo họ: Thiên Lộc Đoài, Vị Dương, Đồng Uyên và Đồng Tỉnh.

 

 

Theo lược sử, năm 1897, hạt giống Tin Mừng đầu tiên gieo vào vùng đất Thiên Lộc và được người dân nơi đây hân hoan đón nhận. Từ đó hình thành nên Giáo họ Thiên Lộc, nhận thánh Stêphanô làm bổn mạng.

Thời kỳ tân khởi, Thiên Lộc chỉ có 20 nhân danh, giáo họ xây một ngôi nhà 4 gian nhỏ bé làm bằng tre, tường đất để sớm tối giáo dân đến cầu nguyện.

 

 

Năm 1900, Giáo họ Thiên Lộc được chuyển về Thượng Phúc khi giáo xứ này được thành lập. Năm 1914, Giáo xứ Xuân Hòa thành lập, một lần nữa Thiên Lộc lại cắt về xứ này.

Năm 1950, ngôi Nhà thờ cũ đã trở nên nhỏ bé so với số giáo dân ngày một gia tăng, giáo họ đã xây dựng một ngôi Nhà thờ mới rộng hơn.

 

 

Năm 1986, cơn bão số 6 đã làm cho Nhà thờ bị hư hỏng nặng. Đến năm 2000, giáo họ mới xây dựng lại được Nhà thờ mới dài 45m, rộng 16m, cao 16m, tum cao 30m và tháp chuông cao 35m như ngày nay.

 

Nhà thờ Giáo xứ Tiên Chu

 Nhà thờ Giáo xứ Tiên Chu

Thôn Tiên Chu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Trước kia, Tiên Chu được gọi là Tiên Châu hay Kẻ Bầu, thuộc tổng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. 

 

 

Tiên Chu ở rất gần với Phố Hiến (một thương cảng nổi tiếng thời nhà Lê) nên các thừa sai thường đáp tàu đến Phố Hiến để vào miền Bắc.

 

 

Tiên Chu được đón tin mừng từ rất sớm. Năm 1730, Tiên Chu đã là một Giáo xứ, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. 

Sau thời kỳ Văn Thân bách đạo, các linh mục coi xứ Tiên Chu thường ở họ lẻ để dễ dàng giao tiếp với các quan chức hành chính tỉnh và làm mục vụ cho cả các tín hữu vãng lai và di dân. 

 

 

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Nhà thờ Tiên Chu được xây dựng và tái tạo nhiều lần. Ngôi Nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 1934 với chiều dài 45m, rộng 14m, cao 11m và tháp chuông cao 33m.

Nhà thờ Giáo xứ Đức Long

 Nhà thờ Giáo xứ Đức Long

Thôn Đức Long, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Khoảng năm 1856, hạt giống Tin Mừng được gieo xuống bãi bồi phù sa làng Hành Hà. Sau khi đón nhận Tin Mừng, xóm đạo dựng nhà thờ nhỏ bằng cây, mái lợp rạ, để đọc kinh sớm tối.

 

 

Năm 1860, Giáo họ Hành Hà được thành lập, nhận Thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng.

Năm 1881, cha Emmanuel Maria Hòa, OP cùng Giáo họ xây Nhà thờ, đồng thời đổi bổn mạng là Thánh Gioakim.

 

 

Năm 1905, Giáo họ dựng Nhà thờ mới bằng gỗ lim, theo kiểu Á Đông, với chiều dài 28m, rộng 8m, tháp chuông cao 22m.

Năm 1911, Giáo họ hoàn thành Nhà thờ và đổi tên mới là Đức Long.

 

 

Năm 2005, Giáo họ trùng tu và nới rộng Nhà thờ, có 4 hàng cột gỗ lim, dài 37m, rộng 12m, các vì kèo sơn son thiếp vàng, tháp chuông cao 33m và hoàn thành vào năm 2007.

 

 

Ngày 7 tháng 10 năm 2020, Giáo phận đã nâng Đức Long lên hàng Giáo xứ.

 

Nhà thờ Giáo xứ Bồ Ngọc

 Nhà thờ Giáo xứ Bồ Ngọc

Thôn Bồ Ngọc, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Năm 1645, dân làng nơi đây đã dựng lên một nhà nguyện để thờ phượng. Cha Morelli làm phép nhà nguyện đúng ngày lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thờ (02/02/1645). Vì thế, Giáo họ đã nhận lễ này làm quan thầy. Vào ngày Lễ Phục sinh cùng năm, cha Morelli lập xứ Kẻ Bái (đây là Giáo xứ đầu tiên của Thái Bình được thành lập). Cha đặt nơi đây làm Trụ Sở Truyền Giáo không chỉ cho vùng Thái Bình, nhưng còn cho các tỉnh thành lân cận, dọc theo những dòng sông. Sau nửa thế kỷ, xứ Lai Ổn đã hình thành, để thuận lợi cho công việc đi lại truyền giáo, các cha đã chuyển trụ sở về Lai Ổn.

 

 

Khoảng năm 1885, phong trào Văn Thân nổi lên với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, Nhà thờ và nhiều nhà giáo dân bị đốt phá, giáo dân bị bách hại. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, Nhà thờ được tu sửa lại.

Năm 1890, biến cố xảy ra, vì nhiều lý do xứ Kẻ Bái bị hạ xuống hàng xứ tùy, thuộc xứ Lai Ổn.

Năm 1917, cha Đaminh Cao Xuân Yến đã điều hành xây ngôi Nhà thờ bề thế nguy nga Kẻ Bái.

 

 

Năm 1918, Cha Đaminh Nguyễn Quang Đỉnh cùng với giáo dân xây dựng Nhà xứ, Nhà Phước, Nhà Dục Anh và tháp chuông. Sau đó, cha đã đệ đơn xin Đức Giám mục tái lập xứ Kẻ Bái, đồng thời xin đổi tên là Giáo xứ Bồ Ngọc và đổi bổn mạng tước hiệu Mẹ Dâng Con thành tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi để các tín hữu hưởng các ơn ích của hội Văn Côi.

Năm 1928, Đức cha Phêrô Munagorri Trung, Giám mục địa phận Trung, ban Sắc chấp thuận việc tái lập xứ Kẻ Bái, đổi tên xứ Kẻ Bái thành xứ Bồ Ngọc.

 

 

Sau mấy chục năm Nhà thờ bị xuống cấp nghiêm trọng, ngày 25/3/2006, Giáo xứ xây Thánh đường mới với chiều dài 42m, rộng 15m, cao 7m và tháp chuông cao 25m. Ngày 06/12/2007, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang chủ sự lễ khánh thành và Cung hiến Nhà thờ với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi.

Nhà thờ Giáo xứ Đức Ninh

 Nhà thờ Giáo xứ Đức Ninh

Thôn Đức Ninh, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên

Đức Ninh được đón nhận ánh sáng Tin Mừng khoảng đầu thế kỷ XX nhưng hơn trăm năm sau, vào ngày 2 tháng 12 năm 2006 mới chính thức được ban Sắc nâng lên hàng Giáo xứ.

 

 

Ban đầu, các tín hữu dựng một ngôi nhà nguyện với diện tích khoảng 100m2 để làm nơi cầu nguyện sớm hôm.

Năm 1911, Giáo họ Đức Ninh được thành lập, thuộc Giáo xứ Ngọc Đồng, nhận thánh Phêrô Tông Đồ làm bổn mạng.

 

 

Năm 1941, Giáo họ Đức Ninh xây dựng ngôi Nhà thờ mới với chiều dài 43m, rộng 10m, cao 13m và tháp chuông cao 23m cho phù hợp với hiện trạng nhân danh của Giáo họ.

Trải qua biết bao biến cố nhưng hạt giống tin mừng gieo xuống Đức Ninh này nào đến nay đã đơm trổ, tạo nên một xứ đạo sầm uốt, tốt đạo đẹp đời.

 

Nhà thờ Giáo xứ Lê Xá

 Nhà thờ Giáo xứ Lê Xá

Thôn Lê Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên

Đầu thế kỷ XVIII, một số người làng Lê Xá đã đón nhận ánh sáng Tin Mừng do các thừa sai dòng Đaminh rao giảng. Lê Xá trở thành một họ đạo lấy tên là Vực Đường, thuộc xứ Đan Chàng và nhận Thánh Tôma Tông Đồ làm bổn mạng. 

 

 

Năm 1802, Giáo họ Vực Đường thuộc về Giáo xứ Cao Xá. 

Năm 1915, Vực Đường lại trở về xứ mẹ Đan Chàng và là họ lẻ lớn nhất với hơn 450 nhân danh. 

Năm 1944, Đức cha Santos Ubierna Ninh, Giáo phận Thái Bình đã ban Sắc nâng họ Vực Đường lên hàng Giáo xứ. Để phù hợp với thực tại nhân sự và địa danh, Đức cha đã gọi Giáo xứ mới là Lê Xá. 

 

 

Năm 1954, Nhà thờ và nhà xứ bị bom đạn tàn phá, Nhà thờ chỉ còn lại ba gian và được tu sửa năm 1964.

Năm 1948, Giáo xứ xây dựng ngôi nhà chung với chiều dài 17.5m, rộng 9.5m, cao 11m. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. 

Năm 2004, Giáo xứ và những người con xa quê đã xây lại ngôi Thánh đường mới với chiều dài 25m, rộng 10m, cao 15m và tháp chuông cao 25m. 

 

Nhà thờ Giáo xứ Thành Lập

 Nhà thờ Giáo xứ Thành Lập

Thôn Thành Lập, xã Minh Tân, huyện Phú xuyên, Thành phố Hà Nội

Theo các tiền nhân kể lại, vào khoảng thế kỷ XVII, hơn 300 năm trước, có một bà tên là Lập đã được đón nhận Tin Mừng tại chợ Bầu, rồi đem con cháu rời thôn Mai Trang về sinh sống tại khu đất Con Xà (Sộp Lẻ) nay là thôn Thành Lập 2.

Dựa vào Lịch sử Giáo phận Hà Nội ghi: ngày thứ Tư Lễ Tro, tức ngày 16 tháng 02 năm 1670, Đức Cha Lambert de la Motte nhận lời khấn của hai nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên là chị Anê và Phaolô tại Phố Hiến, trong chiếc thuyền neo trên dòng Sông Hồng, thuộc một chỗ trong tỉnh Hưng Yên đối diện với làng Bái Xuyên ngày nay, thuộc xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, cách trung tâm 45 km về phía Đông Nam. Co thấy, trước khi Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte đặt chân trên dải đất ven sông Hồng này thì đã có nhiều người đón nhận Tin Mừng tại nơi đây, trong đó có bà Lập cùng con cháu.

 

 

Nơi đây bà con giáo dân đã sớm dựng ngôi nhà nguyện bằng tranh lá nhưng vào năm 1908 ngôi nhà nguyện đã bị cháy.

Đến năm 1909, giáo họ đã khởi công xây dựng ngôi Nhà thờ mới được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique châu Âu, với những mái vòm uốn cong, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng vôi mật. Nhà thờ nằm giữa hướng Đông Nam. Chiều rộng là 9.40 m dài 29.50 m với tổng số diện tích là 276 m².

Gian số 1 của Nhà thờ là gian cung Thánh, được trang trí bằng bàn thờ gỗ sơn son thiếc vàng. Phần trên bàn thờ chính đã được chỉnh sửa, bên trên có nhà tòa chính và phía cánh gà cũng có hai nhà tòa nữa, được thiết kế theo kiểu hình cột và hình cong, hình nón kết hợp với màu ve giả đá đến nay đã tròn 100 năm mà vẫn còn nét đẹp tự nhiên mà chưa phải sửa lại.

 

 

Gian số 2, 3, 4, 5, 6 và 7 có cột phân chia. Cột được trang trí bằng các cột phụ, đấu trang trí, nối gian, nối cột, nối nóc đều được thể hiện hình vòm, hình cong với hình gọng vó, lồng ghép vào là trần được làm bằng rơm, đồng thời được phân chia ra từng mảnh theo tự nhiên, được quét ve và hình ngôi sao trời, đến nay đã tròn 100 năm. Với thời gian dài như vậy, nhiều chỗ bị hư hỏng, song vẫn còn thấy vẻ đẹp của kiểu kiến trúc thời ấy. Riêng gian số 7, còn được cấu trúc gác đàn hết cả gian, trước là gỗ nay được làm bằng bê tông.

Quả chuông của Nhà thờ được đúc tại thủ đô Paris của Pháp. Phía sau quả chuông có ảnh Đức Mẹ với chữ MARIA và họ Thành Lập dưới chân. Quả chuông được treo trên tháp Nhà thờ họ Thành Lập hiện nay có niên hiệu A. 1920 D. Tức quả chuông có sau ngôi Nhà thờ hoàn thành 8 năm. Quả chuông có chiều cao 0, 45m, rộng 0, 55m, dầy 0,4 m.

Phía trước cửa Nhà thờ, có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Khu cung Thánh được trang trí theo nghệ thuật, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh vi độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng Bà thánh Têrêsa thành Avila, nước Tây Ban Nha bằng đất nung cao hơn 1.7 m.

Trung tâm quảng trường phía trước Nhà thờ có đài Chúa Kitô Vua bằng xi măng, bên phải có tượng đài Gia Đình Thánh Gia, bên trái có hang đá rất đẹp, xung quanh Nhà thờ có đường kiệu và phía sau là nhà phòng.

Nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức - Hà Tiên

 Nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức - Hà Tiên

Xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

Nhà thờ trước đó được giáo họ dựng lên với mái tôn, cột cây và vách tôn để làm nơi thờ phượng Chúa và sinh hoạt đạo đức cho giáo họ mới.

 

 

Đến năm 2012,  giáo xứ Đất Hứa bắt tay vào bồi đắp mặt bằng từ một mảnh đất lung trũng. Hơn 2 năm sau, mặt bằng cũng đã lộ ra dáng vẻ khang trang.

 

 

Ngày 30 tháng 3 năm 2014, Giáo xứ, giáo họ mới đã long trọng tổ chức Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức của giáo họ Cờ Trắng.  Công trình xây dựng Nhà thờ, thành lập giáo họ mới cứ vậy diễn ra tốt đẹp trong sự quan phòng của Chúa.

 

 

Ngày 17 tháng 11 năm 2018, Giáo họ Cờ Trắng vui mừng dâng thánh lễ hiệp ý cung hiến Thánh đường mới.

Ngày 24 tháng 6 năm 2020, Giáo họ Cờ Trắng nhận sắc lệnh Thành lập Giáo xứ và chính thức được nâng lên thành Giáo xứ Cờ Trắng, Hạt Rạch Giá.

Nhà thờ Giáo xứ Liêu Ngạn

 Nhà thờ Giáo xứ Liêu Ngạn

Xóm 11, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định

Vào những năm 1800, Liêu Ngạn lúc đó là bãi bồi, quen gọi là Con Bơn, cùng dải đất với Quần Liêu.

 


Năm 1820, một số người điển hình là cụ: Giuse Hưởng, Giuse Hữu, Giuse Hợp, Giuse Lộc từ làng Lang Ngạn đến lập ấp và lấy tên là làng Liêu Ngạn.

Số tín hữu ngày thêm đông, đến năm 1910, bề trên Giáo phận đã ban sắc thành lập giáo họ Liêu Ngạn, thuộc xứ Quần Liêu.

 


Năm 1951, Giáo phận nâng giáo họ Liêu Ngạn lên hàng giáo xứ với 5 giáo họ: Nhà xứ, Tân Bơn, Giang Liêu, Họ Hàn, Liên Liêu và nhận Thánh Giá Thất làm quan thầy.

 


Nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm 1915, dài 40m, rộng 13m, lợp mái ngói nam, tháp chuông cao 28m. Đến 1997, do Nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng, nên đã hạ giải.

 

 

Nhà thời mới khởi công năm 1999 và được khánh thành, cung hiến vào ngày 01/11/2010.