Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Những nhà thờ đầu tiên của Aksum, vương quốc cổ đại châu Phi

 

Những nhà thờ đầu tiên của Aksum, vương quốc cổ đại châu Phi

Các nhà khảo cổ học đã công bố phát hiện quan trọng về Vương quốc Aksum, một quốc gia cổ đại hùng mạnh ở Ðông Bắc Phi, khi khai quật lại hai nhà thờ được xây dựng ngay sau khi vị đứng đầu Ðế chế Aksum cải đạo sang Kitô giáo.

Vào thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, vương quốc Aksum, hay Đế chế Aksum, trị vì phần lớn khu vực miền bắc của Sừng châu Phi, trải dài từ Ethiopia đến Ả Rập. Đây là thế lực chính nằm trên tuyến thương mại giữa đế quốc La Mã và Ấn Độ cổ đại. Như láng giềng Địa Trung Hải, quốc vương Ezana cải đạo sang Kitô giáo vào thế kỷ thứ 4, nhưng cho đến nay việc tìm được và nghiên cứu những tàn tích nhà thờ thời đầu tại đây vẫn là điều hiếm hoi.

Phiến đá Ezana ghi lại quá trình cải đạo của Vua Ezana


Phát hiện mới về hai tàn tích cổ

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau khi các nhà khảo học phát hiện thêm những chứng cứ mới trong lúc khai quật lại hai nhà thờ cổ tại khu cảng quan trọng của Đế chế Aksum là Adulis (hiện thuộc Eritrea). Thứ nhất là ngôi thánh đường được xây dựng hết sức công phu và có nhà rửa tội gần trung tâm thành phố và lần đầu tiên được nghiên cứu vào năm 1868. Nhà thờ thứ hai được khai quật lần đầu năm 1907 nằm ở phía đông. Tàn tích còn sót lại của các cây cột xếp thành vòng tròn cho thấy nhà thờ từng có mái vòm lớn.

Hơn 100 năm qua kể từ khi các đội ngũ chuyên gia đầu tiên làm việc tại hai tàn tích trên, đến nay đội ngũ khảo cổ học Ý một lần nữa quay lại nơi này và sử dụng những kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu hiện đại hơn. Tiến sĩ Gabriele Castiglia, thuộc Viện Giáo hoàng về Khảo cổ Kitô giáo (do Đức Giáo Hoàng Piô XI sáng lập năm 1925 ở Rome), là thành viên của nhóm nghiên cứu và thực hiện kỹ thuật xác định đồng vị carbon tại tàn tích hai nhà thờ. Họ thu thập được những dữ liệu mới cho phép tái dựng chính xác lịch sử của hai công trình cổ này, theo báo cáo đăng trên chuyên san Antiquity.

“Cuộc nghiên cứu cung cấp một số ví dụ đầu tiên về nhà thờ thời đế quốc Aksum đã được khai quật bằng phương pháp hiện đại và thu thập dữ liệu niên đại dựa trên các biện pháp xác định mới nhất”, theo tiến sĩ Castiglia.

Tàn tích của hai nhà thờ cổ đã mang lại nhiều thông tin về lịch sử tôn giáo của vùng Sừng châu Phi


Ngàn năm lịch sử

Cuộc nghiên cứu cho phép xác định được ngôi thánh đường thứ nhất được xây dựng trong giai đoạn từ năm 400 đến 535, trong khi nhà thờ thứ hai có mái vòm bắt đầu được thi công trong giai đoạn năm 480 và 625. Với phát hiện mới, đội ngũ chuyên gia kết luận đây là hai trong số các nhà thờ đời đầu của Vương quốc Aksum, và công trình cổ nhất nằm ngoài kinh đô nước này. Thông qua đó, người thời nay cũng nhận ra rằng đạo Kitô đã nhanh chóng lan rộng ở Đế chế Aksum.

“Có được niên đại chính xác về những nhà thờ này là điều then chốt để tìm hiểu quá trình cải đạo đã có vai trò như thế nào trong việc định hình các khu vực địa lý và văn hóa ở khu vực”, tiến sĩ Castiglia cho biết.

Quan trọng hơn nữa, hai nhà thờ phản ánh sự lan tỏa của Kitô giáo không phải là kết quả đến từ một yếu tố duy nhất, chẳng hạn như tuân theo chiếu chỉ của Vua Ezana. Các nhà nghiên cứu phát hiện những đặc điểm khác nhau đến nhiều truyền thống trong quá trình xây dựng nhà thờ, cho thấy sự ảnh hưởng đa dạng của nhiều yếu tố văn hóa đối với quá trình cải sang đạo Kitô ở vương quốc cổ đại này. Chẳng hạn, nhà thờ từng có mái vòm là công trình độc nhất vô nhị của Đế chế Aksum và dường như lấy cảm hứng từ các nhà thờ Byzantine. Trong khi đó, ngôi thánh đường thứ nhất được xây dựng trên nền tảng quy mô và theo truyền thống Aksum.

Hai tàn tích cũng hé lộ những chi tiết cho thấy sự xuất hiện sau đó có đạo Hồi tại khu vực này. Thành phố cảng Adulis trải qua giai đoạn dần suy tàn và các nhà thờ theo thời gian bị bỏ hoang. Kế đến, những nơi này bị biến thành nghĩa trang Hồi giáo. “Đây là một trong những chứng cứ đầu tiên cho thấy nơi thiêng liêng của Kitô giáo bị chuyển thành khu vực phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo”, theo tiến sĩ Castiglia.

Dù hiện chỉ còn lại tàn tích nhưng hai ngôi nhà thờ cổ đã phản ánh lịch sử tôn giáo thời xa xưa của vùng Sừng châu Phi, với những nhóm người khác nhau cùng phối hợp để loan truyền đức tin trong những thế kỷ đầu sau Công nguyên.


Tượng cổ Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng quay về với người Do Thái

 

Tượng cổ Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng quay về với người Do Thái

Ðức đã hoàn trả tượng Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng từng thuộc về một chủ ngân hàng gốc Do Thái trốn chạy dưới thời Ðức Quốc xã cho hậu duệ của ông.

Quỹ Di sản Văn Hóa Phổ (SPK), trụ sở tại Berlin, đã hoàn trả tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng được tạo tác vào thế kỷ 16 cho hậu duệ của ông Jakob Goldschmidt, chủ ngân hàng gốc Do Thái bị Đức Quốc xã truy đuổi và phải bỏ trốn khỏi Đức vào năm 1933.

Ông Goldschmidt


Những ngày tháng đen tối

Bức tượng mang tên “Maria Lactans” (Đức Mẹ Chăm Con) từng thuộc về, người phải sống lẩn trốn sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền ở Đức. Dù chạy trốn, cuối cùng ông cũng rơi vào tay Đức Quốc xã. Toàn bộ tài sản của ông bị tịch thu, bản thân ông Goldschmidt bị thu hồi quốc tịch Đức.

“Ông Jakob Goldschmidt rõ ràng là nạn nhân của một vụ thanh trừng cá nhân vào thời điểm khởi đầu của chế độ Đức Quốc xã”, Chủ tịch SPK Hermann Parzinger tuyên bố tại buổi lễ hoàn trả di vật hôm 31.1.

Theo thỏa thuận giữa Đức và Mỹ vào năm 1998 về xử lý tài sản trong giai đoạn bức hại Do Thái (tên tiếng Anh là Washington Conference Principles on Nazi-Confiscated Art), những tác phẩm nghệ thuật phải được hoàn trả cho chủ nhân ban đầu hoặc hậu duệ của họ sau khi chứng minh được rằng những tác phẩm này bị Đức Quốc xã tịch thu hoặc bán sang tay trong quá trình này.

Luật sư Sabine Rudolph, đại diện cho hậu duệ ông Goldschmidt, đã thay mặt thân chủ cảm ơn SPK xử lý tốt, bất chấp tình trạng phức tạp của vụ việc. Năm 2020, cũng chính luật sư Rudolph đã lên tiếng tranh luận rằng “chưa có chủ ngân hàng gốc Do Thái nào từng phải đối mặt với tình trạng thù địch như trường hợp của ông Jakob Goldschmidt”.

Tác phẩm “Sự phán xét cuối cùng”


Tác phẩm của bậc thầy

Ông Goldschmidt (1882- 1955) là doanh nhân kiêm chủ ngân hàng vô cùng giàu có trong thời kỳ giữa chiến tranh tại Đức, và vì thế lọt vào tầm ngắm của Đức Quốc xã vào giai đoạn đầu của chế độ này. Tháng 3.1933, Hitler lên nắm quyền tại Đức. Tháng 4 cùng năm, ông Goldschmidt rời nước sang Thụy Sĩ, trước khi di dân đến New York vào năm 1936. Bốn năm sau, chính quyền Đức tước bỏ quốc tịch của ông và tịch thu toàn bộ tài sản của nạn nhân ở Đức.

Sau thế chiến thứ nhất, ông Goldschmidt sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ, và trở thành một trong hai nhà sưu tập lớn nhất châu Âu vào thời điểm đó. Sau khi di dân, ông xoay xở đưa được một số tác phẩm khỏi Đức qua đường Hà Lan, nhưng đại đa số bộ sưu tập vẫn còn lại ở Đức. Những tác phẩm này sau đó bị Đức Quốc xã lần lượt bán đấu giá.

Tượng Maria Lactans - Đức Mẹ Chăm Con là tác phẩm điêu khắc được cho thuộc về nhóm của Bậc thầy Biberach vào thế kỷ 16 ở Swabia (miền tây nam nước Đức). Bậc thầy Biberach là một trong những nhà điêu khắc gỗ quan trọng nhất trong giai đoạn năm 1500 đến 1530, và tác phẩm nổi tiếng của ông là Sự phán xét cuối cùng, hiện được bảo quản tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Lyon.

Phiên đấu giá một phần bộ sưu tập

Khi nhà của ông Goldschmidt bị bán vào tháng 7.1933, toàn bộ các tác phẩm ở đây được đưa đưa đến văn phòng bỏ trống của ông. Ngày 23.6.1936, khoảng 300 tác phẩm lấy từ bộ sưu tập, bao gồm tượng Maria Lactans, được giao cho nhà Hugo Helbing tổ chức bán đấu giá. Nhà môi giới nghệ thuật Johannes Hinrichsen mua bức tượng với giá 8.000 Reichsmark và bán cho Bảo tàng Quốc gia tại Berlin cùng năm. Năm 1993, bảo tàng ở Berlin cho Bảo tàng Ulm mượn tác phẩm này.

Theo tổ chức Phổ, vốn quản lý hơn 20 bảo tàng và các viện văn hóa khác ở vùng Berlin, cuộc bán đấu giá vào năm 1936 được liệt vào dạng tổn thất liên quan đến bức hại dưới thời Đức Quốc xã dựa trên Washington Principles.

Ông Deidre Berger, Chủ tịch Hội đồng Dự án Phục hồi Văn hóa Kỹ thuật số Do Thái (JDCRP) trụ sở Berlin, gọi động thái hoàn trả tượng Maria Lactans cho hậu duệ của chủ ngân hàng quá cố là diễn tiến đáng khích lệ. JDCRP được thành lập năm 2019 với mục đích nghiên cứu và ghi nhận lịch sử về các tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã chiếm đoạt, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm về số tác phẩm này.

“Vào thập niên 1950, các tòa án của Đức dựa vào lập luận ‘gán nợ’ để bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào của gia đình Goldschmidt nhằm thu hồi phần nào bộ sưu tập của họ. Theo đó, ông Goldschmidt bị đổ lỗi góp phần gây nên tình trạng khó khăn về tài chính của Đức”, ông Berger bổ sung. Việc cuối cùng cũng hoàn trả bức tượng quý là lời nhắc nhở dư luận không nên lãng quên giai đoạn Đức Quốc xã đã chiếm đoạt vô số tác phẩm nghệ thuật và văn hóa trong quá khứ.

Phát hiện hang động từ thời Pharaoh Ramses II

 

Phát hiện hang động từ thời Pharaoh Ramses II

Các nhà khảo cổ học đã tìm được một hang động dùng cho mục đích chôn cất người chết từ thời Ramses II, vị pharaoh được đề cập trong Sách Xuất hành liên quan đến cuộc di cư khỏi Ai Cập của người Do Thái.

Một đội ngũ các nhà khảo cổ học vào tháng 9 năm ngoái đã có chuyến hành trình đầy bất ngờ ngược về quá khứ khi họ tiến vào một hang động chưa từng có ai xâm nhập trong vòng 3.300 năm tại Công viên Quốc gia Palmachim, phía nam Tel Aviv. Kết quả xác định niên đại cho thấy những vật phẩm trong hang có từ cuối thời Đồ Đồng, trùng hợp với giai đoạn trị vì của pharaoh khét tiếng trong Cựu Ước là Ramses II, báo The Times of India đưa tin.


Như trong phim Indiana Jones

Hang động được phát hiện khi một máy kéo của đội ngũ thi công di chuyển một tảng đá và hé lộ trần của một cái hang. Từ lỗ hổng mà tảng đá để lại, ánh sáng chiếu thẳng vào một hầm mộ bên trong hang, nằm ở độ sâu khoảng 2,5m. Các nhà điều tra của Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel (IAA) được gọi đến hiện trường, và họ vô cùng phấn khích khi phát hiện đây là hang động chưa từng có người lui tới trong 3 thiên niên kỷ.

Theo đoạn phim ghi tại hiện trường, một chuyên gia của IAA tên Uzi Rothschild cứ lặp đi lặp lại câu cảm thán “thật sự tuyệt vời”, trong khi những tiếng trầm trồ của những người khác cứ tiếp tục không ngừng vang lên. “Thật sự là không thể tin nổi”, ông Rothschild thốt lên. Sự phấn khích lên đến tột đỉnh khi nhóm chuyên gia tìm thấy nhiều mảnh xương ở một góc của cái hang hình vuông.

Ông Eli Yannai, chuyên gia về thời Đồ Đồng của IAA, gọi đây là phát hiện “cả đời có một”“Giống như thể một bố cục trong bộ phim về đề tài phiêu lưu, khảo cổ nổi tiếng Hollywood là ‘Indiana Jones’, một cái hang với những chiếc vò bằng gốm trên mặt đất, chưa từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong suốt 3.300 năm”, tờ Haaretz dẫn lời chuyên gia Yannai kể. “Giai đoạn đó là vào cuối thời Đồ Đồng, trùng vào thời gian của vị pharaoh khét tiếng Ramses II”, ông cho biết, thêm rằng cái hang cung cấp hình ảnh đầy đủ về các truyền thống chôn cất người xưa vào cuối thời này.


Vị pharaoh trong Sách Xuất hành

Ramses II, còn gọi là Ramses Đại đế, trị vì từ năm 1279 TCN đến 1213 TCN. Dưới thời của pharaoh này, bờ cõi và mức độ ảnh hưởng của Ai Cập cổ đại đã được mở rộng theo hướng đông bắc đến tận Syria ngày nay và về hướng nam là tới phạm vi Sudan. Có giai đoạn, Israel nằm dưới sự cai trị của người Ai Cập.

Phòng chôn cất được khắc thẳng vào vách đá, với một cây cột chống đỡ trần hang. Khác với những tập tục mai táng gần vùng bờ biển phía nam của Israel, cái hang có vẻ như được phục vụ cho việc chôn cất của một gia đình hoặc dòng họ, ông Yannai cho biết. Tuy nhiên, ít có khả năng thu thập thêm thông tin từ số hài cốt còn lại. Trái ngược với chiếc hang, tình trạng của số hài cốt không được tốt, ngăn cản khả năng lấy mẫu ADN để phân tích.

Chuyên gia Yannai cho rằng những người được chôn cất bên trong là dân địa phương, sống gần bờ biển. Hang động chứa nhiều dạng đồ vật khác nhau, bao gồm vò hai quai, những cái chén nhiều hình dạng, vò nấu ăn và đèn dầu. Theo các nhà khảo cổ học, những đồ vật này nhằm phục vụ cho đời sống ở thế giới bên kia của người đã khuất. Dựa trên các vật phẩm còn sót lại bên trong hang, có vẻ như người xưa từng có giao dịch với dân đảo Síp, Li Băng và Syria.

Đây không phải là khám phá khảo cổ đầu tiên tại công viên nổi tiếng bên bờ biển. Trước đây, IAA tìm ra một pháo đài cổ từng bảo vệ bờ biển khoảng 3.500 năm trước, thời điểm còn người Canaan. Đây là tộc người cư ngụ tại Trung Đông, ở những vùng hiện nay là Israel, Palestine, Li Băng, Syria và Jordan. Người Canaan cũng được đề cập trong Cựu Ước.

“Việc cái hang được người xưa phong kín và không bị phá hoại, chưa từng bị ai lấy cắp, cho phép giới chuyên gia có thể thu thập một khối lượng lớn thông tin về những vật thể và vật liệu còn sót lại đến ngày nay, không nhất thiết có thể thấy được bằng mắt thường, bao gồm vật chất hữu cơ”, ông Yannai cho biết.

Tờ The Christian Post dẫn lời ông Yannai nhận xét hang động cổ mang đến “cái nhìn đầy đủ” về tập tục chôn cất trong giai đoạn cuối thời Đồ Đồng, cho phép người hiện đại lần ngược thời gian để hiểu thêm về quá khứ, đặc biệt là quá khứ về người Do Thái trong giai đoạn Cựu Ước..


Những tu viện cổ ở Wadi El Natrun

 

Những tu viện cổ ở Wadi El Natrun

Thung lũng Natrun là một trong ba khu vực tập trung các tu viện cổ bậc nhất của châu Phi và đặc biệt là vẫn còn hoạt động.

Wadi El Natrun (Thung lũng muối) là một vùng lõm sa mạc nằm ở ngoại ô Cairo, phía tây bắc đồng bằng sông Nile của Ai Cập, thấp hơn mặt nước biển khoảng 23m và thấp hơn 38m so với mực nước sông Nile. Được gọi là Scetis hoặc Skete trong những tài liệu cổ của Kitô giáo, Wadi El Natrun là một trong ba khu vực quy tụ các tu viện Kitô giáo đời đầu ở vùng sa mạc Nitria. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đây là nơi duy nhất vẫn còn các tu viện cổ đại hoạt động, trong khi hai trung tâm Nitria và Kellia chỉ còn lại các tàn tích khảo cổ.

Wadi El Natrun

Từ mỏ muối đến những tu viện đầu tiên

Khu vực quanh Wadi El Natrun chứa nhiều hồ nước kiềm lớn, với nhiều mỏ muối giàu natron. Nơi này là nguồn cung cấp khoáng chất cho các nghi thức ướp xác thời xưa. Các nghệ nhân thời Ai Cập cổ đại cũng sử dụng vật liệu ở đây để hoàn thành những bức bích họa tuyệt đẹp bên trong các ngôi mộ cổ. Bên cạnh các mỏ muối và khoáng chất, vị trí biệt lập của Wadi El Natrun cho phép vùng này nhanh chóng trở thành một trong những nơi linh thiêng nhất của Kitô giáo tại châu Phi.

Tu viện Thánh Bishoy, Wadi Natrun

Theo quan điểm của các ẩn sĩ và tu sĩ thời xưa, vùng đất hoang vu, rộng lớn là nơi phù hợp để tĩnh tâm và tìm về với Chúa. Nhiều người đã trải qua 40 ngày và 40 đêm ở sa mạc trước Thứ Sáu Tuần Thánh để tưởng nhớ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Tu viện đầu tiên được thánh Macarius xứ Ai Cập lập vào giữa thế kỷ thứ 4. Và từ thế kỷ thứ 4 đến thứ 7, các tín hữu trên toàn Địa Trung Hải cùng nhau đến đây để tham gia tu tập tại các tu viện và cộng đoàn Kitô giáo, cho phép Wadi El Natrun chính thức ra đời.

Tương truyền thánh Macarius lần đầu tiên đi vào Wadi El Natrun khoảng năm 330. Tiếng tăm của ngài thu hút sự chú ý của nhiều ẩn sĩ, tu sĩ, và họ theo dấu ngài đến vùng sa mạc. Nhiều người đến từ các sa mạc gần bên và họ bắt đầu dựng lên những gian nhỏ xung quanh nơi thánh Macarius sống ẩn dật. Cộng đoàn tu sĩ đầu tiên xuất hiện. Trong cuốn Egypt from Alexander to the Early Christians: An Archaeological and Historical Guide (Ai Cập từ thời Alexander đến các Kitô hữu đời đầu: Sách hướng dẫn Khảo cổ và Lịch sử), học giả về cổ đại Roger S. Bagnall cho biết vào thời hoàng kim, khu vực tập trung khoảng 700 tu viện lớn, nhỏ.

Tu viện Syria ở Wadi Natrun


Cột mốc của Wadi El Natrun

Như được đề cập ở trên, các cộng đoàn xuất hiện một cách tự phát, dựa trên các gian, phòng đơn lẻ được xây rải rác xung quanh một nhà thờ. Một số phòng được mở rộng dành cho nhiều người hơn. Theo thời gian, các bức tường mọc lên và bao quanh những nơi ở, đa số vì mục đích an toàn. Những kẻ đột kích đến từ sa mạc ở Libya đã tấn công Wadi El Natrun và tàn sát các tu sĩ, ẩn sĩ ở đây vào đầu thế kỷ thứ 5. Trước sự bức hại này, nhiều tu sĩ đã rời sa mạc đến nơi khác tu học.

Linh mục dòng Tên Willian J. Harmless, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu các tu viện đời đầu, giải thích rằng sự kiện tàn sát ở Wadi El Natrun đã đánh dấu bước ngoặt cho lịch sử các tu viện Kitô giáo. Tài liệu cổ Apophteghmata ghi chép rằng một trong những người sống sót trong vụ đột kích vào thế kỷ thứ 5, thánh Arsenius từng nhận xét rằng “thế giới đã mất đi thành Rome và các tu sĩ đã mất đi Scetis (tức Wadi El Natrun)”.

Thánh Macarius xứ Ai Cập

Phải mất vài năm sau sự kiện trên, Wadi El Natrun mới thu hút sự quay lại của cộng đoàn tu sĩ, ẩn sĩ. Tuy nhiên, những cư dân ở đây tiếp tục đối mặt những vụ tấn công khác cho đến cuối thế kỷ thứ 6. Vào thế kỷ thứ 7, trong giai đoạn quân đội Hồi giáo ập đến Ai Cập, các tu viện đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào quan điểm trung lập của nước này trước thời cuộc. Tuy nhiên, những quan ngại về thuế má và các quy định hành chính khác đã đẩy Wadi El Natrun vào tình thế đối đầu với chính quyền Hồi giáo.

Nitria và Kellia dần dần bị bỏ hoang, nhưng Scetis tiếp tục trở thành trung tâm tôn giáo xuyên suốt thời Trung Cổ. Dù đa số các tu viện ở đây cuối cùng cũng lâm vào tình trạng hoang phế hoặc bị phá hủy, vẫn còn 4 tu viện trụ lại đến ngày nay. Đó là tu viện Thánh Macarius, tu viện Paromeos, tu viện Thánh Pishoy và tu viện Syria.


Một số công trình cổ gắn với lịch sử Công giáo ở châu Âu

 

Một số công trình cổ gắn với lịch sử Công giáo ở châu Âu

Châu Âu không thiếu những di sản tôn giáo, nhưng có một số nơi sở hữu những nhà thờ mang theo ý nghĩđặc bit xuyên suốt lịch sử Giáo hội Công giáo.


Mont Saint - Michel, Pháp

Mont Saint - Michel, tên tiếng Việt là Núi Thánh Micae, là một đảo thủy triều bên ngoài bờ biển Pháp ở ranh giới giữa vùng Normandy và Brittany. Tại đây, một tu viện được xây dng t thời Trung Cổ nhân danh Tổng lãnh Thiên Thần Micae.

Thế kỷ thứ 8, đảo thủy triều được gọi là Mont Tombe. Tương tuyền, Tổng lãnh Thiên Thần Micae năm 708 đã hin ra trước thánh Aubert, Giám mục Avranches. Tuân theo lời của Tổng lãnh Thiên Thần, thánh Aubert ban đầu bắt tay vào việc xây dựng một nơi cầu nguyện, trước khi nơi này được mở rộng thành tu viện. Đến thế kỷ 11, số lượng người hành hương đến Mont Saint - Michel tăng mạnh. Tu viện vì thế phải được cải tổ và cơ bản trở thành hình dạng như ngày nay.

Bên cạnh đó, xuyên suốt đến thế kỷ 15, tu viện vẫn liên tục được cơi nới và bổ sung những cấu trúc mới. Khi vua Louis XI của Pháp góp phần đặt nền móng cho dòng Thánh Micae năm 1469ông có ý định biến cụm nhà thờ - tu viện ở Mont Saint - Michel thành cơ sở của dòng tu. Tuy nhiên, do khoảng cách xa với Paris, ý định này ca nhà vua không thể trở thành hiện thực.

Tu viện vẫn tiếp tục hoạt động cho đến thời Cách mng Pháp và Hoàng đế Napoleon, khi Mont Saint - Michelbị biến thành nhà tù. Sau khi nhà tù bị đóng cửa năm 1863, nỗ lực bảo tồn lịch sử được thực thi và làn sóng du khách bắt đầu kéo đến nơi này vào cuối thập niên 1800. Năm 1979, T chc UNESCO đưa Mont Saint - Michel và vùng vnh của nơi này vào danh sách di sản thế giới.


Gloucester, Anh

TP Gloucesterở miền tây nam nước Anh nổi tiếng với nhà thờ Chúa Ba Ngôi và Thánh Phêrô. Công trình tôn giáo đầu tiên được xây dng tại đây vốn gồm một đan vin vi nhà thờ vào năm 679, theo lệnh của vua Osric thuộc vương triu HwicceBề trên đầu tiên của đan viện tên Kyneburg, h hàng ca vua Osric và đượĐức Giám mc Bosel ca Worcester b nhim. Sau vài trăm nămđến lượt Vua Beornwulf thuc vương triu Mercia ra lnh xây lđan viện.

Đến năm 1022Đức Giám mc Wulfstan của giáo phận Worcester quyết định giao lại quyền quản lý đan viện cho dòng Biển Đức. Thời gian sau, một trận hỏa hoạn xảy ra làm nơi này b cháy ri và Đức Giám mc Ealdred ca Worcester quyếđịnh cho xây li vào năm 1058 ở vị trí xa hơn một chút so với cấu trúc ban đầu và gần thành phố hơn.

Nền móng của nhà thờ hiện tại được thiết lập dưới thời Viện phụ Serlo (coi sóc tu viện trong giai đoạn 1072-1104). Năm 1072, Viện phụ Serlo đã cho xây dựng cấu trúc mới với chỗ ở cho 2 tu sĩ và 8 dự tu. Tuy nhiên, tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi nơi này lại trải qua một trận cháy lớn vào năm 1088. Dù vậy, đan viện tiếp tục nhận được sự ưu ái của các đời vua Anh; chẳng hạn vua William trải qua lễ Giáng Sinh tại đây vào năm 1085.

Nhờ vào sự hỗ trợ của vua Anh, Viện phụ Serlo bắt tay xây lại đan viện mới. Phần nền đá móng đượđặt vào v trí năm 1089, và đến năm 1100nơi này một lần nữa được cung hiến. Các công trình xây dựng gian thờ chính, gian sau của nhà thờ, khu hầm mộ và phòng họp mặt được xây dựng với tốc độ nhanh chóng và quy mô ấn tượng.

Sau khi vua Henry VIII tách khỏi Giáo hội Công giáo để thành lập Anh giáo, cụm công trình đan viện và ngôi thánh đường cũng bị chuyển sang Anh giáo.


Trier, Đức

Trier là cổ thành nằm bên bờ sông Moselle ở miền tây nam nước Đức. Được sáng lập dưới thời La Mã. Trier là nơi đặt ngai vàng của Hoàng đế Constantine Vĩ đại. Nhà thờ Constantine của thành phố được xây ở nơi từng đặt ngai vàng của nhà vua. Phòng chứa ngai vàng có niên đại từ năm 310 và vẫn là căn phòng đơn rộng nhất tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay mà không cần đến một cây cột nào.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất đó là nhà thờ Thánh Phêrô ở Trier. Đây là nhà thờ cổ nhất nước Đức và có cấu trúc tôn giáo lớn nhất tại Trier. Có niên đại từ thế kỷ thứ 4, thời điểm nhà thờ được xây dựng bên trên nơi từng đặt cung điện của thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine. Thánh Helena có công mang về Trier một số thánh tích, trong số này có dây thừng từng dùng để trói Chúa Giêsu trước khi Người bị hành hình.

Nhà thờ vào thế kỷ thứ tư đã bị người Frank (người Tây Âu) phá hủy trước khi được xây dựng lại. Đến năm 882, người Viking lại hủy hoại nơi này. Dưới thời Đức Tổng Giám mục Egbert (993), việc xây dựng nhà thờ một lần nữa được khởi công và hoàn thành dưới thời Đức Tổng Giám mục Poppo (1016-1041). Qua nhiều thế kỷ, nhà thờ tiếp tục được tu sửa, thêm vào các mái vòm Gothic, những bức tượng thời Phục Hưng, các nhà nguyện Baroque… Tuy nhiên, về tổng thể, thiết kế của nhà thờ vẫn giữ được gốc từ thời La Mã.


Manh mối về sự liên hệ giữa Vua Solomon và Nữ hoàng Sheba

 

Manh mối về sự liên hệ giữa Vua Solomon và Nữ hoàng Sheba

Trong quá trình giải mã ký tự trên cổ một chiếc vò lớn có từ thời vua Solomon, các nhà khảo cổ học tìm thấy mối liên hệ giữa vị vua được nhắc đến trong Cựu Ước và nữ hoàng Sheba huyền thoại.

Tác phẩm mô tả chuyến thăm của Nữ hoàng Sheba đến cung điện Vua Solomon

Cái vò ban đầu được tìm thấy cùng với phần còn lại của 6 chiếc vò cỡ lớn khác trong quá trình khai quật diễn ra năm 2012 ở vùng Ophel, phía nam Núi Đền. Trưởng nhóm dự án khi ấy là Tiến sĩ Eilat Mazar thuộc Viện Khảo cổ của Đại học Do Thái ở Jerusalem. Tiến sĩ Daniel Vainstub của Đại học Do Thái ở Jerusalem (HU) và nhóm của ông đã giải mã thành công ký tự Ả Rập cổ trên chiếc vò. Đây là dạng ký tự từng được sử dụng vào thời điểm miền nam của bán đảo Ả Rập (khu vực hiện là Yemen) vẫn còn dưới sự cai trị của vương quốc Sheba.


Phát hiện bất ngờ

Vào thời điểm nhóm của tiến sĩ Mazar tìm được cái vò, chỉ còn 7 ký tự còn có thể thấy rõ trên phần cổ của nó. Những ký tự đó được viết bằng chữ của nền văn minh Canaan. Dựa trên nền tảng chữ viết của nền văn minh này, người Do Thái cổ mới phát triển chữ viết của riêng mình trong giai đoạn Đền thờ Solomon, hay còn gọi là Đền thờ Thứ nhất. Trong một thập niên qua, hơn 10 nhà nghiên cứu đã đưa ra những lời giải mã khác nhau về nội dung của các ký tự trên. Tuy nhiên, chẳng ai nhất trí với quan điểm của người khác.

Trong cuộc nghiên cứu mới, tiến sĩ Vainstub cho rằng ký tự thuộc về vùng Nam Ả Rập cổ đại. Điều này có nghĩa là những ký tự thuộc về bản chữ viết được sử dụng ở phần tây nam của bán đảo Ả Rập (nơi hiện nay là Yemen). Đây là phát hiện thú vị vì vào thời điểm đó, phần tây nam của bán đảo Ả Rập là nơi tọa lạc của vương triều Sheba, cũng là vương quốc có vai trò thống trị thời đó.

Nhà cai trị vương quốc Sheba chính là nữ hoàng Sheba cũng từng được đề cập trong Cựu Ước. Nữ hoàng Sheba đã được ghi nhận rằng bà đến thăm vua Solomon và mang theo vàng bạc, đá quý, lạc đà chở theo các loại gia vị, để tìm hiểu liệu vị vua có khôn ngoan như lời đồn hay không. Theo ghi chép, nữ hoàng Sheba vô cùng bất ngờ và được thuyết phục bởi sự thông thái và quyền uy của vua Solomon, cũng như ấn tượng trước Đền thờ mà ông vừa hoàn thành. Vị nữ hoàng quay về nhà sau khi tán dương vua Solomon lẫn Israel.


Manh mối quan trọng

Trước đây có những giả thuyết khác nhau về vị trí khi xưa của vương quốc Sheba, chẳng hạn có nhà khoa học cho rằng nơi này phải nằm ở Nam Ả Rập, còn người khác nói là vùng Sừng Châu Phi. Tuy nhiên, các sử gia hiện đại kết nối Sheba với vương quốc Saba ở Nam Ả Rập, nơi hiện giờ là Yemen và Ethiopia.

Theo nghiên cứu mới, ký tự trên vò là “[ ]shy l’dn 5”, nghĩa là 5 šǝḥēlet”, tức một trong số 4 nguyên liệu được đề cập trong Cựu Ước (Sách Xuất hành 30:34) cần thiết để điều chế hương liệu. šǝḥēlet” là loại nguyên liệu chủ chốt của loại hương dùng để thắp ở Đền thờ Thứ nhất và Thứ hai. Nó còn có tên gọi “tziporen” trong văn chương của các giáo sĩ Do Thái giáo.

Việc giải mã dòng chữ trên cái vò cổ còn phản ánh quan hệ địa chính trị của khu vực vào thời đó

Dựa trên manh mối mới, nhóm của tiến sĩ Vainstub cho rằng đây là minh chứng thể hiện sự liên hệ rõ ràng giữa Jerusalem trong thế kỷ thứ 10 (giai đoạn tồn tại của vương triều Solomon) và vương quốc Sheba. Cái vò có niên đại vào thời Jerusalem của vua Solomon, và dòng chữ được khắc trước khi được đưa vào lò nung của một người nói tiếng Saba (ngôn ngữ của miền nam Ả Rập) và có liên quan đến nguồn cung cấp nguyên liệu dùng cho việc điều chế hương liệu.

Trong thông cáo, tiến sĩ Vainstub cho biết việc giải mã dòng chữ trên cái vò cổ không những hé lộ sự hiện diện của một người nói tiếng Saba ở Israel vào thời của vua Solomon, mà còn phản ánh quan hệ địa chính trị của khu vực này vào thời đó. Một điểm cần lưu ý là chiếc vò được khai quật ở Ophel, vùng đảm nhận vai trò trung tâm hành chính trong giai đoạn vua Solomon trị vì. Khu Ophel là một địa điểm thuộc Công viên Khảo cổ dưới chân bức tường phía nam và nằm trong phạm vi Công viên Quốc gia Tường Jerusalem. “Chúng ta đã tìm thêm một minh chứng phản ánh quan hệ giao thương và văn hóa sâu rộng vốn tồn tại giữa vua Solomon và vương quốc Sheba”, theo tiến sĩ.

Tảng đá của Giacóp

 

Tảng đá của Giacóp

Một tảng đá cổ xưa đã được đưa từ Lâu đài Edinburgh (Scotland) đến London (Anh) cho lễ đăng quang của vua Charles III. Dân Scotland và sau đó là người Anh tin rằng đây là tảng đá mà Giacóp, nhân vật trong Thánh Kinh, từng gối đầu.

Theo Sách Sáng thế, tảng đá của Giacóp từng được Giacóp, tổ phụ thứ ba của dân Israel và là con trai Isaac, cháu nội Abraham, dùng làm gối đầu ở khu vực sau này tên gọi Bethel. Khi ngủ trên tảng đá, Giacóp mơ thấy thiên đàng và nhận được lời hứa của Thiên Chúa. Theo thời gian, những người trị vì Scotland tin rằng họ có cơ duyên sở hữu Tảng đá của Giacóp, và đổi tên thành Tảng đá xứ Scone hoặc Tảng đá của Định mệnh.

Giacóp gối đầu lên tảng đá


Giấc mơ lên thiên đường

Sách Sáng Thế có đoạn về lời hứa của Thiên Chúa đối với Giacóp, thuật rằng ông đến một nơi kia và nghỉ đêm tại đó vì mặt trời đã lặn. Ông lấy một hòn đá để gối đầu và nằm ngủ ở đó. Ông chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống. Và Đức Chúa đứng bên trên thang mà phán: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của Isaac. Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi”. Giacóp tỉnh giấc và thốt lên: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!”. Ông nói: “Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác”. Ông đặt tên cho nơi đó là Bethel, có nghĩa là “Nhà của Thiên Chúa”.

Theo thời gian, tảng đá xuất hiện trong truyền thuyết Celtic và được cho chứng kiến sự lên ngôi của các đời vua Ireland, Scotland và sau đó là Vương quốc Anh.


Truyền thuyết Celtic và sự liên hệ với Hoàng gia Anh

Từ Đất Thánh, tảng đá được cho chuyển đến Ai Cập, Sicily, Tây Ban Nha trước khi đến Ireland khoảng năm 700 Trước Công nguyên và được đặt trên ngọn đồi Tara, nơi các vị vua cổ đại của Ireland đăng quang. Trong thời chiến tranh, người Celtic gốc Scotland đã tấn công Ireland và lấy đi tảng đá linh thiêng. Những người này sau đó định cư ở vùng đất Scotland. Khoảng năm 840, vua Kenneth MacAlpin (sinh năm 810 mất năm 858) đã mang tảng đá về ngôi làng tên Scone.

Theo ghi chép của lịch sử, tại làng Scone, tảng đá được đặt vào ghế đăng quang của hoàng gia. Kể từ thế kỷ thứ 9, có khoảng 60 vị vua và nữ hoàng đã ngồi lên tảng đá trong lễ đăng quang. Tảng đá Scone đại diện cho nguồn gốc sâu xa của vương triều Scotland. John de Balliol là vị vua Scotland cuối cùng đăng quang trên chiếc ghế này vào năm 1292, trước khi vua Edward I của Anh kéo quân xâm chiếm Scotland năm 1296 và đưa tảng đá đến London. Tại London, ở tu viện Westminster năm 1307, vua Edward I cho tạo một cái ghế đặc biệt, cũng đặt tên là ghế đăng quang và đặt tảng đá bên dưới ghế. Từ đó đến nay, các đời vua và nữ hoàng xứ Anh đã lần lượt đăng quang trên chiếc ghế này.

Tảng đá có trọng lượng 152 kg, hình chữ nhật, với chiều dài 66cm và chiều rộng 28cm. Thanh kim loại được gắn vào tảng đá có nguồn gốc xa xưa, bên trên khắc lời tiên tri có nội dung: “Trừ phi vận mệnh trái khuấy. Và lời tiên tri là hão huyền. Nơi này có hòn đá thiêng. Dòng giống Scotland sẽ ngự trị”. Năm 1903, khi nữ hoàng Elizabeth I băng hà, vua James VI của Scotland đã kế vị và đổi tên thành James I xứ Anh. Vua James đăng quang trên Tảng đá Scone, và những người Scotland yêu nước cho rằng đó là lúc truyền thuyết đã ứng nghiệm, khi mà một vị vua Scotland đã lên ngôi tại nơi tảng đá hiện diện.

Sáng ngày Giáng Sinh năm 1950, tảng đá bị một nhóm người trộm khỏi tu viện Westminster và đưa về Scotland. Bốn tháng sau, cảnh sát tìm thấy tảng đá thiêng và chuyển về lại tu viện. Năm 1996, chính phủ Anh quyết định hoàn trả tảng đá cho Scotland. Ngày 29.4, tảng đá được đưa đến London trên một cái kiệu làm bằng gỗ sồi Scotland. Đến ngày 6.5, vua Charles III chính thức đăng quang và ngồi trên chiếc ghế có chèn tảng đá theo truyền thống như nhiều thế kỷ qua.

Hiện Tảng đá Scone vẫn là tạo vật lâu đời nhất thế giới tiếp tục được sử dụng trong các lễ đăng quang vua chúa.

Tảng đá trước khi chuyển từ lâu đài Edinburgh ở Scotland đến tu viện Westminster để chuẩn bị cho lễ đăng quang của vua Charles III


Bức tượng siêu thực đầu tiên về Chúa Giêsu sau khi chịu khổ nạn

 

Bức tượng siêu thực đầu tiên về Chúa Giêsu sau khi chịu khổ nạn

Phải mất hơn 15 năm để chuyên gia nghệ thuật Álvaro Blanco (Tây Ban Nha) và đội ngũ của ông tạo ra bức tượng siêu thực đầu tiên về Chúa Giêsu. Hiện rất đông du khách, người hành hương và công dân Tây Ban Nha tìm đến nhà thờ Chánh tòa Guadix thuộc tỉnh Granada để tận mắt chiêm ngưỡng hình ảnh gần đời thực nhất về Chúa Giêsu sau cuộc Thương Khó, trang National Catholic Register đưa tin.


Bức tượng y như thật

Nhà thờ Chánh tòa Guadix ở Granada đang tổ chức cuộc triển lãm mô hình tượng đầu tiên được hoàn thành dựa trên dữ liệu thực tế đến từ Vải liệm Turin. Đây là thánh tích từng được dùng để bọc thi hài của Chúa Giêsu sau khi được đưa khỏi thập tự giá. Cuộc triển lãm lần đầu tiên được tổ chức tại nhà thờ Chánh tòa Salamanca ở miền trung Tây Ban Nha vào năm ngoái và đang ở giai đoạn hai của các chương trình tại nước này. Sau ngày 30.6, ông Blanco sẽ đưa cuộc triển lãm đến những nơi khác ở châu Âu trong nửa cuối của năm 2023.

Bức tượng được đúc từ cao su và silicone, trọng lượng khoảng 75kg. Tư thế của tượng mô tả lại thi hài của một người đàn ông khoảng 33 tuổi ở giai đoạn co cứng tử thi. Hai chân co lên, đôi tay đan chéo trên bụng. Khi tiếp cận, người xem có thể thấy rõ từng lỗ chân lông trên da, những vết tàn nhan, lông mi, lông mày. Phần lưng của tượng hơi nâng lên, cho thấy rõ những vết thương trên đầu, và những vết bầm trên vai. Các vết thương khác cũng hiển thị rõ ràng, cũng như miệng vết thương ở giữa xương sườn số 5 và số 6 bên trái. Phần mũi bị đánh gẫy và mắt phải bầm tím.

Theo National Catholic Register, bức tượng được thể hiện theo phương pháp siêu thực nhằm chuyển tải hình ảnh “một cơ thể người không bị can thiệp bởi bất kỳ chuyển động nghệ thuật nào”. Công trình là kết quả đến từ dữ liệu thu thập được sau quá trình nghiên cứu khoa học liên ngành về Vải liệm Turin. Ông Blanco, người phụ trách cuộc triển lãm, cho biết vào thời điểm nhìn thấy bức tượng trong trạng thái hoàn thành, ông đã rất ấn tượng về sự sống động và tính chân thực của tác phẩm này.


Dữ liệu từ Vải liệm Turin

Ông Blanco cho rằng ngày nay cần gì đó có thể mang đến hình ảnh cảm thụ trực quan và truyền cảm xúc cũng như ảnh hưởng về nghệ thuật, vì nghệ thuật giúp nâng tầm cảm thụ của con người. Cũng giống như Leonardo da Vinci hoặc Michaelangelo dựa vào Thánh Kinh để khơi dậy nguồn cảm hứng nghệ thuật, “chúng tôi đang làm điều tương tự nhờ vào khả năng tiếp cận những phát hiện khảo cổ học và những yếu tố khác, cho phép chúng tôi kể lại câu chuyện của Giêsu thành Nazareth”, ông Blanco bổ sung.

Cuộc triển lãm được sắp xếp trong một số gian phòng, mang đến sự giới thiệu thấu đáo của lịch sử tấm vải liệm nổi tiếng, những khía cạnh khảo cổ học và bối cảnh khoa học, cũng như bằng cách nào con người nối kết những dấu vết trên vải liệm để diễn giải cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu.

Người xem sẽ bắt đầu với cuộc hành trình của Vải liệm Turin, từ thời điểm lần đầu tiên xuất hiện ở Edessa, dưới thời Vua Abgar, đến cuộc hành trình tới Constantinople, khi thánh tích bị thất lạc vào thời điểm quân đội Thập Tự Chinh ập vào thành phố. Khi tái xuất, tấm vải liệm thuộc về gia đình quý tộc Charny, trước khi được gởi đến Hoàng tộc Savoy, và sau đó được tặng cho nhà thờ Chánh tòa Turin.

Trong nhiều thế kỷ, nhiều nghệ sĩ được cho đã tiếp cận Vải liệm Turin và dựa vào đó để khắc họa những tác phẩm về Chúa Giêsu. Thậm chí khi tấm vải biến mất trước công chúng trong vài thế kỷ, những hình ảnh về Người tiếp tục được sao chép và truyền lại cho những nghệ sĩ đời sau. Tại cuộc triển lãm, khách cũng được xem ảnh chiếu lên tường kéo dài 5 phút, thể hiện tổng cộng 500 hình ảnh của Chúa Giêsu ở những độ tuổi, văn hóa, phong cách khác nhau.

Tranh ảnh về Chúa Giêsu qua nhiều thời kỳ

Mục đích của nội dung này là nhằm chứng tỏ Vải liệm Turin là nguyên mẫu cho gần như mọi sự thể hiện về Đức Giêsu mà con người thừa hưởng đến ngày nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia Blanco, mỗi hình ảnh đều được thể hiện thông qua cách nhìn của từng cá nhân nghệ sĩ, và phản ánh thời đại họ sống: “Tôi muốn thấy một hình ảnh thật, không bị lọc bởi những lăng kính của con người và thời đại, và tôi cho rằng chúng tôi đã làm được điều đó”.

Đối với ông Blanco, tác phẩm về Chúa Giêsu khơi dậy cảm giác của sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và tình yêu thương. “Tại sao con người lại tìm thấy cái đẹp khi đứng trước một hình ảnh chính xác của một người chết với vết bầm, vết máu trải khắp tử thi? Bởi vì đó không phải là cái chết mà là sự hy sinh”, ông Blanco giải thích.

Cuộc hành hương triển lãm

Một nhóm các họa sĩ và nghệ sĩ đã hợp lực tạo ra bức tượng dưới sự chỉ dẫn của ông Blanco và cuộc triển lãm được thực hiện thông qua ArtiSplendore, công ty chuyên về triển lãm văn hóa, nghệ thuật. “Trong vòng 20 năm tới, chúng tôi muốn đến những nhà thờ trên khắp thế giới. Ðây sẽ là cuộc hành hương triển lãm”, theo Giám đốc Ðiều hành ArtiSplendore Francisco Moya.