Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Những phát hiện thú vị về Ðền thờ vua Solomon

 

Những phát hiện thú vị về Ðền thờ vua Solomon

Ðền thờ Ain Dara ở Syria được cho là mang đến những thông tin quý giá về vua Solomon trong Cựu Ước và đền thờ nổi tiếng của vị vua Do Thái này.

Nhiều thế kỷ qua, các học giả luôn tìm kiếm trong vô vọng nhưng không thể phát hiện bất kỳ tàn tích nào trên thực tế về Đền thờ vua Solomon. Tuy nhiên, họ đã tìm hiểu được nhiều thông tin về đền thờ bằng phương pháp khác.

Đền thờ Ain Dara


Manh mối mới

Đền thờ vua Solomon, thánh địa huyền thoại ở cổ thành Jerusalem đã được mô tả vô cùng chi tiết trong Sách Các Vua, và không nghi ngờ gì, đây là một trong những thành tựu tuyệt vời nhất dưới triều đại Solomon. Thế nhưng, không có bất kỳ tàn tích nào của đền thờ nổi tiếng được tìm thấy, vì không thể tiến hành khai quật Núi Đền ở Jerusalem, nơi đặt đền thờ của vị vua nổi tiếng.

May mắn là một số đền thờ từ thời đồ sắt được khai quật ở Levant (khu vực rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải) với nhiều điểm tương đồng với Đền thờ vua Solomon được miêu tả trong Cựu Ước. Thông qua nỗ lực nghiên cứu những di tích này, các chuyên gia khảo cổ thu thập những thông tin đầy ấn tượng về kiến trúc huy hoàng của đền thờ từng tọa lạc ở Núi Đền gần 3.000 năm trước.

Theo Tạp chí Biblical Archaeology Review, đền thờ giống Đền thờ vua Solomon nhất chính là Ain Dara, cách TP Aleppo (Syria) khoảng 67km về hướng tây bắc và gần khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Gần như mọi khía cạnh của đền thờ Ain Dara, từ niên đại, kích thước, cách trang trí, có những điểm tương đồng vô cùng sống động với mô tả của Đền thờ vua Solomon trong Thánh Kinh. Tổng cộng, bài báo trên Biblical Archaeology Review liệt kê được hơn 30 đặc điểm kiến trúc và trang trí tương tự như cấu trúc của đền thờ Ain Dara và đền thờ ở Jerusalem.

Vua Solomon


Những điểm tương đồng hiếm có

Đền thờ Ain Dara và Đền thờ vua Solomon giống nhau ở mức độ đáng kinh ngạc. Cả hai đều được xây dựng bên trên các nền tảng nhân tạo khổng lồ, tọa lạc ở điểm cao nhất của thành phố. Kiến trúc của hai đền thờ đều tương tự nhau: cổng vào được chống đỡ trên hai cột, sảnh chính, và đằng sau một vách ngăn là một ngôi đền được nâng cao (tức “nội điện” theo người Do Thái). Các bên của cấu trúc xây dựng được bao bọc bởi nhiều căn phòng đa tầng, và những căn buồng được sử dụng cho nhiều chức năng khác nhau.

Thậm chí những đặc điểm trang trí của cả hai đền thờ cũng không khác: gần như trên từng bề mặt, cả bên trong lẫn bên ngoài của đền thờ Ain Dara được chạm khắc hình tượng sư tử, những động vật chỉ có trong thần thoại (cherubim và nhân sư), và các họa tiết hình hoa và hình học. Trong quyển Sách Các Vua, cách trang trí của Đền thờ vua Solomon cũng mang theo những điểm tương tự.

Một trong những mô phỏng về đền thờ vua Solomon

Thế nhưng, chính niên đại của đền thờ Ain Dara mới cung cấp chứng cứ thuyết phục nhất về sự tồn tại trên thực tế của Đền thờ vua Solomon. Đền thờ Ain Dara được xây dựng khoảng năm 1300 Trước Công nguyên và được sử dụng liên tục trong hơn 550 năm, cho đến năm 740 Trước Công nguyên. Họa đồ và cách trang trí của những đền thờ tráng lệ như thế không nghi ngờ gì đã mang đến nguồn cảm hứng cho các kỹ sư và thợ thầy khởi công xây dựng Đền thờ Solomon vào thế kỷ thứ 10 Trước Công nguyên.

Theo lưu ý của chuyên gia Lawrence Stager thuộc Đại học Harvard (Mỹ), sự tồn tại của đền thờ Ain Dara chứng minh được rằng những mô tả trong Thánh Kinh về Đền thờ Solomon không phải là sự tưởng tượng đầy hoa mỹ thường gặp trong văn chương, hoặc là ghi chép sai lầm dựa trên kiến trúc của các đền thờ sau này. Họa đồ, kích thước và các chi tiết kiến trúc hoàn toàn phù hợp với truyền thống xây dựng những nơi thờ phượng ở phía bắc Syria từ thế kỷ thứ 10 đến thứ 8 Trước Công nguyên.

Dấu chân khổng lồ ở Ain Dara

Những đặc điểm cụ thể của đền thờ Ain Dara cũng mang đến những cái nhìn sâu sắc về các khái niệm của thần thánh và những đền thờ ở vùng Cận Đông. Ở ngõ vào đền thờ Syria, các nhà khoa học phát hiện hai dấu chân khổng lồ được khắc vào đá. Một dấu chân phải và chân trái cũng được khắc bên trong đền thờ, cách nhau khoảng 9m. Các dấu chân, chiều dài gần 1m, nhằm thể hiện sự có mặt của vị thần trong lúc tiến vào khu vực Nội điện và ngồi lên chiếc ngai khổng lồ.

Theo Sách Các Vua, bên trong Đền thờ vua Solomon cũng có một chiếc ngai to lớn, được tượng hình từ những đôi cánh của hai cherubim khổng lồ, với sải cánh dài đến 5m. Điều này cho thấy người Do Thái cổ đại hình dung Yahweh theo cách tương tự.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét