Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Nhà thờ Giáo họ Vát Cấp

 Nhà thờ Giáo họ Vát Cấp

Xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Theo truyền khẩu, giáo họ Vát Cấp được đón nhận Tin Mừng vào năm 1770, do một số giáo dân di cư từ Kẻ Mèn (Trung Đồng) đem tới. Vài năm sau đó, giáo họ Vát Cấp được thành lập với ngôi nhà nguyện đầu tiên được dựng lên bằng tre, lợp lá. Sau trận bão năm 1911, giáo họ xây dựng ngôi Thánh đường mới để qui tụ cộng đoàn tín hữu cầu nguyện. Năm 1978, nhà thờ tiếp tục bị hư hỏng và xuống cấp. Mãi tới năm 2003, giáo họ khởi công xây dựng ngôi Thánh đường mới với chiều dài 53m, rộng 16m, cao 17m và tháp chuông cao 34,5m.
 
 
Sau 10 thi công, ngày 26 tháng 8 năm 2011, Giáo phận đã long trọng tổ chức Thánh lễ cung hiến Thánh đường mới trong niềm hân hoan của bà con giáo họ và ân nhân gần xa.
 

Nhà thờ Giáo xứ Lác Môn

 Nhà thờ Giáo xứ Lác Môn

Xóm 2, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

Lác Môn là một Giáo xứ cổ kính và có bể dày lịch sử Truyền giáo. Từ thế kỷ 13 - 14, nơi đây là cửa Lạch Lác (sông Ninh Cơ) có nhiều cỏ lác, được phù sa bồi đắp đã trở nên trù phú. Dân cư các vùng đến lập ấp và lấy tên là Lác Môn.

 

 

Năm 1553, Giáo sĩ I-Ni-Khu đi bằng tàu buôn vào cửa Lạch Lác và bước chân lên đất Tam Bảo (danh cũ của Lác Môn) để Truyền giáo.

Năm 1627 các Cha Thừa Sai Dòng Tên (Bồ Đào Nha) đã đến thành lập Giáo Xứ Lác Môn và lấy nơi đây làm cơ sở của Dòng. Nhà thờ thứ nhất được xây ở Giâu Nhất trên đất Tam Bảo, nhưng nhỏ bé, không thuận tiện đường đi lại.

 

 

Năm 1908, tiền nhân đã chuyển nhà thờ đến chỗ hiện nay. Trải qua chiến tranh và thiên tai, nhà thờ thứ hai đã bị hư hỏng nặng.

Năm 2005 Giáo Xứ đồng tâm đại tu: quay đầu nhà thờ lại, nối dài, kích cao và xây hai tháp chuông để có ngôi nhà thờ đẹp như ngày nay.

Lác Môn cũng là mảnh đất có nhiều chứng nhận Tử Đạo, trong đó có Cha xứ Phêrô Nguyễn Bá Tuần được phong Hiển Thánh, và 6 vị Chứng Nhân Tử Đạo quê hương. Năm 2009, trong lần giáo xứ Lác Môn mở rộng khuôn viên, mộ của 8 giáo dân bị bách hại thời kỳ vua Tự Đức (khoảng những năm 1838 đến năm 1867) đã được bốc di dời đến nơi khác.

Kỳ lạ thay hài cốt của giáo dân Phêrô Đỗ Tựu khi vừa mới đào đến quan tài thì trong đó bỗng chảy ra một thứ dung dịch có màu đỏ và có mùi tanh tanh. “Khi phát hiện đó là máu, tôi đã ngất lịm đi”- lời ông Nguyễn Văn Huấn, 65 tuổi, người tham gia vào việc bốc 8 ngôi mộ tại giáo xứ Lác Môn vào tháng 7/2009.

 

 

Trong vùng có ông Phạm Văn Bân, lưng bị gù đã nhiều năm nay, hôm cải táng mộ giáo dân Phêrô Đỗ Tựu, thấy có hiện tượng lạ như thế, ông bèn nhảy xuống lấy hai tay chạm vào những dòng nước đỏ (được mọi người cho là máu) rồi quệt dọc theo sống lưng của mình. Vừa quệt ông vừa lầm bầm cầu nguyện. Tức thì lưng ông thẳng lên, đi lại bình thường mà không gặp chút khó khăn, đau đớn gì (?).

Sau sự việc lạ lùng đó, người dân cho rằng ông Đỗ Tựu đã làm phép lạ ban phước lành tới những người trong vùng. Vì thế, họ tôn ông lên làm “Thánh”, dù chưa có một quyển kinh thánh nào có tên thánh Tựu cả. Hiện tại, bộ hài cốt đang được lưu giữ riêng biệt, cẩn thận trong tủ kính tại giáo xứ Lác Môn.

 

 

Chuyện bộ hài cốt có lịch sử 200 năm cứ mỗi lần rỉ máu là chữa được bách bệnh được mọi người truyền tai nhau khắp nơi. Khách đến cầu nguyện xin chữa bệnh đông nườm nượp. Người ở Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Bình… thậm chí có cả người nước ngoài cũng về đây cầu khấn mong thánh Tựu rỉ máu chữa cho khỏi bệnh.

Theo những người có đức tin thì đây là một phép lạ nhưng các nhà khoa học thì giải thích theo một hướng khác. Dù thế nào thì với bà con giáo dân Lác Môn, những chứng nhân Tử Đạo sẽ là Máng Thông ơn Thiên Chúa nên họ tin tưởng chạy đến cầu xin thì các ngài sẽ cầu thay nguyện giúp cho sẽ nhận được những ơn ích mà họ đã tin tưởng phó thác cho Chúa và Đức Mẹ.

 

Nhà thờ Giáo xứ Kẻ Sặt – Đồng Nai

 Nhà thờ Giáo xứ Kẻ Sặt – Đồng Nai

KP. 3, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai

Năm 1954, một số giáo dân di cư từ làng Kẻ Sặt - Hải Dương vào miền Nam và đến nhiều vùng khác nhau nhưng nhiều nhất là khu Hố Nai. Thời gian này, Cha Giuse Hoàng Trọng Thu quy tụ những giáo dân này lại và thành lập Giáo xứ Kẻ Sặt ngày nay.

 

 

Hai năm sau, Cha Giuse cùng với giáo dân Kẻ Sặt xây dựng một nhà thờ tạm với kích thước 16m x 54m để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện.

 

 

Cuối năm 1972, giáo xứ Kẻ Sặt đã khởi công xây nhà thờ mới và hơn một năm sau, nhà thờ mới khang tranh và đậm nét nghệ thuật kiến trúc được khánh thành.

Năm 2004, giáo xứ đã tu sửa chỉnh trang lại nhà thờ như ngày nay.

Nhà thờ Giáo xứ Vỉ Nhuế

 Nhà thờ Giáo xứ Vỉ Nhuế

Thôn Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Vùng này được gọi là Vỉ Nhuế có lẽ để chỉ một bãi đất rộng nằm bên khúc sông uốn lượn. “Nhuế” là bến sông, là bãi đất nằm chỗ sông uốn lượn.

 

 

Giáo xứ Vỉ Nhuế ban đầu là một họ lẻ của giáo xứ Kẻ Vĩnh. Nằm bên cạnh một giáo xứ từng là nôi của các vị truyền giáo đầu tiên tới Việt Nam và là thủ phủ của địa phận Đàng Ngoài, chắc chắn nơi đây đã được biết đến đạo Chúa từ rất sớm.

Nhà thờ Vỉ Nhuế được khởi công xây dựng năm 1930, hoàn thành năm 1943 và đại tu năm 1990.

Năm 1951, trong thư chung đề ngày 2 tháng 7 năm 1951 Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã quyết định lấy tên chính phủ dùng để gọi tên giáo xứ nên giáo xứ Kẻ Nấp được đổi thành giáo xứ Vỉ Nhuế.

 

 

Ngôi thánh đường đầu tiên được biết đến là một ngôi nhà theo phong các Á Đông vào năm 1930, hoàn thành năm 1943: cột gỗ, lập dạ, mặt tiền là dạng cổng tam quan ba tầng bốn mái. Khi xây dựng ngôi thánh đường hiện tại đây thì phần gỗ nhà thờ đã chuyển cho giáo họ Đằng Lẻ thuộc xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, hiện nay vẫn còn.

Năm 1947 Cha xứ Giuse Trịnh Ngọc Am đã đặt tượng Đức Mẹ Mân Côi lên trước gian cung Thánh, nhận tước hiệu ngôi thánh đường là Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi. Trong dịp này, ca đoàn giáo xứ cũng nhận Đức Mẹ Mân Côi là bổn mạng. Lúc đó, Thày già Hích, tức linh mục nhạc sỹ Hoài Đức sau này, về quê giúp xứ đã sáng tác bài hát “Lạy Mẹ Mân Côi”.

Năm 1973 ngôi Thánh đường được tu sửa lần một do phần hậu bầu bị sập.

 

 

Năm 1989 đến 1993, ngôi Thánh đường được trùng tu bao gồm việc xây lại cánh gà hai bên và phần tường bên ngoài, sửa ngọn tháp, tô chát xung quanh, làm trần tôn, lợp tôn mái thượng để mừng kỷ niệm Kim Khánh ngôi thánh đường.

Năm 1994 đến 1995 sửa lại gian cung Thánh và đóng ghế ngồi mới. Năm 2004 sửa gian cung thánh và lợp ngói mái thượng. Năm 2007 tô chát lại phần trên phía trong nhà thờ, quét ve, sửa gác đàn, mở thêm cửa hai bên.

Trong dịp trọng đại kỷ niệm 100 năm ngày thành lập giáo xứ, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt về cung hiến Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi ngày 28 tháng 11 năm 2007.

 

Nhà thờ Giáo xứ Thuận Phát

 Nhà thờ Giáo xứ Thuận Phát

253 Trần Xuân Soạn, P.Tân Kiểng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1954, cha cố Antôn Đỗ Minh Độ cùng với một số giáo dân gốc Phát Diệm di cư vào Nam. Ban đầu, tạm cư ở Long An nhưng nơi đây đất phèn nước mặn, khó sinh sống bằng nghề nông. Năm 1959, cha con dắt díu nhau xuống Cần Thơ, ổn định được cuộc sống dễ dàng và xứ đạo Kim Phụng được thành lập. Năm 1961, cha cố Antôn lại lên Sài Gòn mua khu đất có diện tích là 51.450 mét vuông thuộc xã Tân Thuận Tây huyện Nhà Bè. Khu đất này thuận tiện cả đường bộ lẫn đường thủy – là khởi đầu của giáo xứ Thuận Phát ngày nay.

 

 

Sau đó, cha lại đưa giáo dân xứ đạo Kim Phụng từ Cần Thơ lên vùng này thành lập họ đạo Thuận Phát, hòa vào dân địa phương, trong số đó có một số giáo dân thuộc họ đạo Xóm Chiếu. Số giáo dân ban đầu ước chừng 500 người có gốc Phát Diệm, sống rải rác dọc theo đường Trần Xuân Soạn từ cầu Tân Thuận đến cầu Rạch Ông. Đến năm 1964, có một số đông giáo dân nạn nhân trận hỏa hoạn Vĩnh Hội, được chính quyền đưa sang định cư tại xã Tân Quy Đông nên số giáo dân gia tăng.

 

 

Sau khi thành lập thêm hai giáo xứ mới là Mẫu Tâm và An Phú, giáo xứ Thuận Phát chỉ còn tập trung ở ấp 5 Tân Thuận Đông, sau đó đổi thành các ấp 5, 6, 9, một phần ấp 4 xã Tân Thuận Tây và một phần ấp 5 xã Tân Quy Tây.

Ngôi nhà thờ đầu tiên làm bằng gỗ lợp tôn, vật liệu được tháo dỡ từ nhà thờ Kim Phụng, chuyên chở bằng đường sông từ Cần Thơ mang lên. Từ năm 1962, các giáo họ được hình thành.

 

 

Năm 1964, đánh dấu sự phát triển của giáo xứ, một ngôi nhà mới đã được khởi công và năm 1966. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã khánh thành ngôi nhà thờ này. Cũng phải nói thêm, trường Tôma Thiện trước năm 1975, có vai trò giáo dục đức tin và giáo dục văn hóa.

Trong Năm Thánh hồng ân mừng giáo xứ 50 năm thành lập, một vị ân nhân ngỏ ý hiến tặng toàn bộ chi phí việc xây dựng ngôi Thánh đường mới. Thế là công trình được khởi công vào đầu năm 2012 do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ tế Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên. Ngày 5 tháng 10 năm 2013, ngôi Thánh đường hiện tại đã được cắt băng khánh thành.

 

Nhà thờ Giáo xứ Tân Vĩnh - Hà Tĩnh

 Nhà thờ Giáo xứ Tân Vĩnh - Hà Tĩnh

Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Lịch sử giáo xứ vào khoảng giữa thế kỷ XIX, năm 1828, cố Can Hằng là người ngoại giáo, quê ở xã Hậu Lộc, sống bằng nghề chài lưới, gia đình cố có 2 người con là Trần Quyền và Trần Phúc Sớn. Nhờ ơn Chúa thương, gia đình cố được trở lại Đạo và đến lập nghiệp tại xóm Trại Lau.

 

 

Sau đó 2 năm, năm Canh Dần 1830, đã có 8 thành viên mới cùng đến sinh sống với cha con cố Hằng, đó là cố Liên, cố Bắc, cố Nhạ, cố Phước, cố Tài, cố Vinh, cố Công và cố Ngại, thuộc giáo họ Ba Già, xứ Trại Lê. Hoàn cảnh lúc đó thật túng thiếu đủ bề, nhưng không vì thế mà làm giảm đi niền tin vào Đức Kitô trong họ, trái lại cuộc sống càng khó khăn thì các ngài càng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Bởi vậy tập thể giáo họ nhỏ bé đầu tiên ấy đã chung lòng, chung sức, lấy sào đáy làm cột, lá lau làm tranh, cây lau làm mầm trét đất, dựng ngồi nhà nguyện tại khu vực nghĩa địa. Giáo họ Tân Lập được ra đời trong hoàn cảnh ấy, chính các ngài đã viết nên những trang sử đầu tiên của giáo họ.

 

 

Đất lành chim đậu, đến 1864, năm Giáp Tý, Tân Lập đã có 50 hộ, với số giáo dân đã tăng lên 300 người. Dưới sự hướng đẫn của cha già Tuần quản xứ, giáo họ Tân Lập lại làm được ngôi nhà thờ bằng cột gỗ lim, lợp tranh săng, xung quanh trát đất, quét vôi trắng và đã mau chóng trở thành một họ đạo thuộc xứ Trại Lê đặt tên là họ Tân Lập, nhận quan thầy là Thánh Micae. Từ cầu Nghèn ngược dòng sông khoảng 2km người ta thấy một nghĩa địa Công giáo mới hình thành, đây là xóm cũ của giáo họ gọi là xóm Trại Lau. Xóm này cách thị trấn Nghèn 1km về Tây Bắc, phía Nam sát bờ sông Nghèn, về địa danh hành chính lúc đó thuộc xã Hồng Nam, sau thuộc về xã Thiên Lộc. Cùng với thời gian, qua bao biến đổi thăng trầm, số giáo dân Tân Lập vẫn không ngừng phát triển, ngày một tăng. Giáo dân đã di dời lên sát đường quốc lộ 1A, để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, cuộc sống và tôn giáo, họ đã dời nhà thờ đến địa điểm mới cho đến ngày nay.

 

 

Năm 1927, giáo dân đã dựng nên một ngôi nguyện đường bằng tre, bằng nứa để sớm tối cầu kinh nguyện ngắm. Về sau, ngôi nguyện đường bé nhỏ không thể đáp ứng vì số giáo dân ngày càng đông thêm. Do vậy năm 1942, thời cha Phêrô Trần Văn Ngôn làm quản xứ, một ngôi Thánh đường khác được dựng nên, to hơn, đẹp hơn, sau khi xây dựng nhà thờ bà con giáo dân lấy đày ráo làm một nhà mục vụ (nhà phòng). Trong quá trình tồn tại của mình, theo thời gian ngôi Thánh đường chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, được tu bổ lại nhiều lần.

Ngôi Thánh đường ngày hôm nay được manh nha từ năm 1986.

Ngày 7 tháng 8 năm 2002 toàn giáo họ cử hành thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng Thánh đường.

Bgày 3 tháng 8 năm 2005 giáo phận và giáo họ đã long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh thành nhà thờ mới. Ngoài công trình nhà thờ, giáo họ còn có công trình Tượng đài Thánh Micae, được xây trên hồ nước uống, nằm bên trục đường chính thẳng vào mặt tiền, kế bên hồ nước là dãy nhà 3 tầng và một dãy ở khối 11 cách nhà thờ 2km về phía Tây Bắc, đều là trường học Giáo lý của giáo họ.

Nhà thờ Giáo xứ Dốc Mơ

 Nhà thờ Giáo xứ Dốc Mơ

1/2A Dốc Mơ, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai

Ngày 2 tháng 11 năm 1954, khoảng 3.000 giáo dân gốc Giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm theo Cha Giuse Trần Đình Vận đến Đồi Mơ cây số 81 quốc lộ 20, quận Kiệm Tân, Long Khánh lập nghiệp và lập nên Giáo xứ Dốc Mơ.

 

 

Đến năm 1960, Giáo xứ Dốc Mơ tách phía đông quốc lộ 20, thành lập họ Thánh Giuse (ngày nay là Giáo xứ Đức Long).

Năm 1972, Cha Giuse Trần Đình Vận cùng cộng đoàn xây dựng nhà thờ bằng vật liệu kiên cố (80m x 30m x 30m), tháp chuông (65m), nhà xứ và trường học.

 

 

Bốn năm sau, Giáo xứ Dốc Mơ tách một phần phía Tây thành lập Giáo họ Đức Huy (Giáo xứ Đức Huy ngày nay). Năm 1986, Cha Giuse Hoàng Minh Đường kế nhiệm Cha Giuse Vận coi sóc Giáo xứ Dốc Mơ. Cha Giuse cùng cộng đoàn trùng tu một số công trình của Giáo xứ, quy hoạch Đất Thánh, xây Đài Đức Mẹ, trải nhựa và bê tông hóa các con đường trong Giáo xứ. Hiện nay, với sự giúp đỡ của Cha Giuse, Giáo xứ Dốc Mơ đang từng bước lớn mạnh trong đức tin và tình mến.

 

Nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Hội

 Nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Hội

156 Đ. Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1859 khi quân đội Pháp đánh chiếm Sàigòn-Gia Định dân cư tại vùng Khánh Hội bỏ làng trốn đi hết vì sợ quan quân triều đình Huế bắt bớ. Lúc bấy giờ có ông Chuyên, một người có đạo từ Mặc Bắc (tỉnh Trà Vinh) lên Gia Định, ghé lại vùng Khánh Hội, thấy nhà cửa ruộng vườn đều bỏ hoang liền rủ những người cùng chạy trốn cuộc bách hại đến ở, quy tụ được khoảng 100 người ở gần Rạch Chông.

 

 

Cha Gabriel Nguyễn Khắc Thành đang ở bên Rạch Bàng nghe nói đến Rạch Chông có bổn đạo đang tá túc nên đến thăm. Cha thấy có bổn đạo khá đông mà không có nơi cầu nguyện, liền xin Đức cha cho phép sử dụng ngôi đình hoang phế làm nhà nguyện.

Các cha Thành, cha Vọng cha Thuyết thường xuyên lui tới dâng lễ, dạy giáo lý cho trẻ em và cả người lớn. Sau đó cha Thành giao cho thầy Công là người đàng ngoài mới chạy vô, dạy giáo lý cho trẻ em và tân tòng là những người địa phương có thiện cảm với đạo.

Năm 1861, bổn đạo từ miền Trung và Biên Hòa tập trung về Khánh Hội khá đông, cư ngụ từ Vàm Bến Nghé tới Rạch Ong Lớn, thành hình một làng mới là Khánh Hội.

 

 

Vì ngôi đình làng tạm làm nhà nguyện đã trở nên quá nhỏ đối với số giáo dân, nên khi được bà Bạch, một giáo dân nhiệt thành nhường cho một khoảng đất bên bờ sông, một nhà thờ mới được dựng lên. Và cha Thọ từ đàng ngoài chạy vào lánh nạn, được Đức cha cử coi sóc Họ Khánh Hội. Ít lâu sau, cha Thọ xin trở về quê cũ, cha Vọng được bổ nhiệm thay thế.

Lúc bấy giờ, tuy Sàigòn đã tạm yên nhưng các vùng lân cận như ở Mỹ Tho, Tân Triều, Biên Hòa, Bà Rịa, Đất Đỏ…người có đạo vẫn gặp nhiều gian nan. Do đó nhiều người đã lìa nơi chôn nhau cắt rốn, chạy vào Sàigòn, ở dọc theo mé sông tới Rạch Ong. Vì bổn đạo ngày thêm đông, nên một nhà mới được cất lên và một làng mới cũng được thành lập là làng Vĩnh Hội.

 

 

Năm 1862, ông Chuyên nhường lại ngôi nhà ba gian hai chái và phần nhà phụ, đất rộng lại có vườn để cất thêm một dãy nhà cho Chủng viện. Cha Wibaux giao cho thầy Phêrô Nguyễn Văn Dậu (thụ phong linh mục năm 1870) trông coi và sắp xếp các sinh hoạt của Chủng viện.

Xóm Chiếu gọi là Trường Dưới, còn Khánh Hội gọi là Trường Trên. Năm 1863, Chủng viện dời về Sài Gòn. Thanh niên Khánh Hội đi tu khá đông, nhưng chỉ có một người làm linh mục là cha Phêrô Nguyễn Văn Lễ, chỉ làm việc mục vụ được ba năm sau khi chịu chức, rồi vì lý do sức khỏe phải nghỉ hưu luôn.

Cha Gabriel Nguyễn Khắc Thành quy tụ được vài chục chị em dòng Mến Thánh Giá đang trốn tránh cơn bách hại ở các nơi về một nhà gần Cầu Chông. Sau đó, cha dời các chị này qua bên Thủ Thiêm cho tới bây giờ vì ở đây thuận tiện hơn.

Năm 1890, nhà thờ bị mối mọt làm hư hại nhiều chỗ nhưng bổn đạo lại quá nghèo, không có phương tiện sửa chữa nên đành phải nhập chung vào Họ Xóm Chiếu.

Năm 1945, Họ Đạo được tái lập với tên mới là Vĩnh Hội.

Nhà thờ Giáo xứ Long Thành

 Nhà thờ Giáo xứ Long Thành

Ấp Phước Thuận, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai

 

 

 

Năm 1886, Cha Giuse Trần Đình Tiết đến Mỹ Hội coi sóc khoảng 200 giáo dân di cư từ miền Trung làm nên xóm đạo Mỹ Hội. Cha Giuse cùng cộng đoàn Mỹ Hội dựng một nhà nguyện bằng lá để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện.

 

 

Năm năm sau, Cha Augustinô Lefèbvre (Nguyễn Văn Lực) cử Cha Lemée về cai quản vùng Long Thành thuộc trấn Biên Hòa. Năm 1894, Cha Lemée phụ trách xây dựng bốn nhà thờ trong hạt Long Thành: Mỹ Hội, Phước Lý, Bình Quới và Long Thành. Riêng xóm đạo Long Thành, Cha Lemée cử Cha Giuse Trần Đình Tiết về coi sóc và xây dựng nhà thờ đầu tiên với tường gạch, cột gỗ, mái lá.

Năm 2008, Cha Đaminh Nguyễn Mạnh Hùng về phụ trách Giáo xứ Long Thành. Bốn năm sau, Cha Đaminh cùng với cộng đoàn khởi công xây dựng nhà thờ mới và khánh thành ngày 22 tháng 2 năm 2014.

 

Nhà thờ Giáo xứ Phước Thiện

 Nhà thờ Giáo xứ Phước Thiện

Xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh thuận

Nhà thờ Giáo xứ Phước Thiện được xây dựng năm 1942. Nhìn qua vẻ bình yên của ngôi Thánh đường này, có lẽ không nhiều người biết rằng, ẩn giấu trong đó có rất nhiều câu chuyện buồn, đẫm nước mắt và cả máu của những người thường dân mộ đạo ngày xưa. Nhà thờ Phước Thiện luôn gắn liền với những mẫu người mộ đạo, những tấm gương hy sinh vì giữ đạo ở thuở trước, phải chịu roi đòn, chịu hy sinh tính mạng vì con đường mình đã chọn. Nhà thờ cũng gắn với những phút giây đầy thử thách khó nhọc, khi dân xứ đạo phải lẩn trốn nơi rừng sâu, để qua cơn hoạn nạn càn quét đạo dưới thời Vua Tự Đức.

 

 

Nhà thờ Phước Thiện nằm trong khuôn viên khá rộng, qua lối vào thênh thênh có hai hàng cây kiểng xanh tốt và duyên dáng, nổi bật với cấu trúc 3 cửa, 3 tháp cao lừng lững. Tô điểm ở đó là mái hơi cong, màu gạch, hoa văn trang trí đơn giản ở cửa chính. Cấu trúc của nhà thờ nhìn từ vẻ bên ngoài đã mang lại cho người tham quan, một cảm giác an lành. Bên trong nhà thờ cũng được trang trí rất đơn giản, hai bên hông có treo tranh khắc họa đàng Thánh giá, thường thấy như ở các nhà thờ khác, nền gạch hoa đơn giản màu xám xanh, khu vực trên cung Thánh được xây nền đá hoa cương, bàn dâng lễ bằng đá màu trắng và nơi quan trọng nhất treo tượng Chúa Giêsu chịu nạn, dưới chân Ngài là tủ gỗ nơi đặt mình Thánh.

 

 

Bên trong nhà thờ Phước Thiện, mái chữ A vòm cao, bên hông nhiều cửa để tạo thêm sự thoáng mát cho không gian bên trong. Toàn bộ từ bộ cửa đến ghế ngồi, đều sử dụng gỗ với nét hoa văn rất đơn giản. Nhìn từ ngoài vào trong, hay từ trong ra ngoài, đều thấy rõ được toàn bộ cấu trúc đơn giản của nhà thờ Phước Thiện, đẹp và ấn tượng bởi từ sự giản dị, thần thái điềm tĩnh thanh thản thoát rất tinh khôi.

 

Nhà thờ Giáo xứ Kon Mahar

 Nhà thờ Giáo xứ Kon Mahar

Kon Mahar, Xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai

Trong những năm đầu tìm đường lên truyền giáo vùng Tây Nguyên (1848-1867), đoàn truyền giáo từ Trạm Gò (vùng An Khê ngày nay) phải vượt qua làng Kon Mahar mới tiến vào được làng Kon Kơxâm Trung Tâm Truyền giáo cho người dân tộc Bahnar - Jơlơng, thuộc phía đông Miền Truyền Giáo Kon Tum (nay thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).

 

 

Làng Kon Mahar trước kia nằm hướng bắc cách giáo xứ Kon Mahar hiện giờ trên dưới 10 cây số.

Cha G.B Guerlach (Cảnh) phụ trách vùng phía đông miền truyền giáo từ 1893-1896 và Cha Denis Poyet (Thuận) từ 1896-1898, đã đưa được nhiều làng trở lại đạo Chúa.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, Kon Mahar là một làng khá lớn và đông dân, chia tách thành 2 làng: làng Kon Mahar Tih (lớn) và làng Kon Mahar Ioh (nhỏ). Năm 1900, Cha Martial Jannin (Phước) phụ trách Kon Kơtu (địa sở Kon Măh), có Cha Grégoire Bober (Chương) phụ tá, đã đến truyền giáo trong vùng. Khi đó Kon Mahar Tih có tổng cộng 67 gia đình và 446 người; Kon Mahar Ioh chỉ có 7 gia đình, cách không xa Kon Mahar Tih.

Ngày 6 tháng 5 năm 1900, Cha Jannin và Cha Bober đã đến gặp gỡ dân làng Kon Mahar. Cùng đi với hai Cha có các Kitô hữu: Thût và Ngaih - hai thanh niên trẻ người Bahnar, các thủ lãnh và thanh niên của hai làng Kon Xonglok (tòng giáo 1898) và Kon Ongleh (tòng giáo 1893).

 

 

Nhà thờ đầu tiên được xây dựng khoảng từ năm 1941đến năm 1949.

Sau 1975, dân làng trở về lại làng cũ (K’tu Choang - Kon Mahar), và làm nhà thờ dạng nhà Rông (nhà thờ thứ nhất).

Sau đó nhà thờ được chuyển lại sau nhà bă Lia - lần 2. Lần thứ 3 chuyển đến gần bờ suối.

Ngày 27 tháng 12 năm 2006, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kon Tum chính thức bổ nhiệm Cha Antôn Pađua Nguyễn Văn Binh làm chánh xứ tín hữu dân tộc Bahnar – Jơlơng (ở nhà thờ Kon Măh), thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Păh, gồm 9 làng, và giáo xứ Kon Mahar, cũng như một số họ đạo liên hệ trong xã Hà Đông, tỉnh Gia Lai.

Năm 2002-2008 (giai đoạn cha Giuse Liên và cha Antôn Binh phụ trách), dân làng làm nhà thờ (nhà thờ hiện nay). Nhà thờ được làm theo mẫu nhà thờ Chính tòa Kon Tum với 3 tháp nhọn, hoàn toàn do giáo dân người sắc tộc thiết kế và dựng lên, hoàn thành năm 2008.