Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Hội

 Nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Hội

156 Đ. Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1859 khi quân đội Pháp đánh chiếm Sàigòn-Gia Định dân cư tại vùng Khánh Hội bỏ làng trốn đi hết vì sợ quan quân triều đình Huế bắt bớ. Lúc bấy giờ có ông Chuyên, một người có đạo từ Mặc Bắc (tỉnh Trà Vinh) lên Gia Định, ghé lại vùng Khánh Hội, thấy nhà cửa ruộng vườn đều bỏ hoang liền rủ những người cùng chạy trốn cuộc bách hại đến ở, quy tụ được khoảng 100 người ở gần Rạch Chông.

 

 

Cha Gabriel Nguyễn Khắc Thành đang ở bên Rạch Bàng nghe nói đến Rạch Chông có bổn đạo đang tá túc nên đến thăm. Cha thấy có bổn đạo khá đông mà không có nơi cầu nguyện, liền xin Đức cha cho phép sử dụng ngôi đình hoang phế làm nhà nguyện.

Các cha Thành, cha Vọng cha Thuyết thường xuyên lui tới dâng lễ, dạy giáo lý cho trẻ em và cả người lớn. Sau đó cha Thành giao cho thầy Công là người đàng ngoài mới chạy vô, dạy giáo lý cho trẻ em và tân tòng là những người địa phương có thiện cảm với đạo.

Năm 1861, bổn đạo từ miền Trung và Biên Hòa tập trung về Khánh Hội khá đông, cư ngụ từ Vàm Bến Nghé tới Rạch Ong Lớn, thành hình một làng mới là Khánh Hội.

 

 

Vì ngôi đình làng tạm làm nhà nguyện đã trở nên quá nhỏ đối với số giáo dân, nên khi được bà Bạch, một giáo dân nhiệt thành nhường cho một khoảng đất bên bờ sông, một nhà thờ mới được dựng lên. Và cha Thọ từ đàng ngoài chạy vào lánh nạn, được Đức cha cử coi sóc Họ Khánh Hội. Ít lâu sau, cha Thọ xin trở về quê cũ, cha Vọng được bổ nhiệm thay thế.

Lúc bấy giờ, tuy Sàigòn đã tạm yên nhưng các vùng lân cận như ở Mỹ Tho, Tân Triều, Biên Hòa, Bà Rịa, Đất Đỏ…người có đạo vẫn gặp nhiều gian nan. Do đó nhiều người đã lìa nơi chôn nhau cắt rốn, chạy vào Sàigòn, ở dọc theo mé sông tới Rạch Ong. Vì bổn đạo ngày thêm đông, nên một nhà mới được cất lên và một làng mới cũng được thành lập là làng Vĩnh Hội.

 

 

Năm 1862, ông Chuyên nhường lại ngôi nhà ba gian hai chái và phần nhà phụ, đất rộng lại có vườn để cất thêm một dãy nhà cho Chủng viện. Cha Wibaux giao cho thầy Phêrô Nguyễn Văn Dậu (thụ phong linh mục năm 1870) trông coi và sắp xếp các sinh hoạt của Chủng viện.

Xóm Chiếu gọi là Trường Dưới, còn Khánh Hội gọi là Trường Trên. Năm 1863, Chủng viện dời về Sài Gòn. Thanh niên Khánh Hội đi tu khá đông, nhưng chỉ có một người làm linh mục là cha Phêrô Nguyễn Văn Lễ, chỉ làm việc mục vụ được ba năm sau khi chịu chức, rồi vì lý do sức khỏe phải nghỉ hưu luôn.

Cha Gabriel Nguyễn Khắc Thành quy tụ được vài chục chị em dòng Mến Thánh Giá đang trốn tránh cơn bách hại ở các nơi về một nhà gần Cầu Chông. Sau đó, cha dời các chị này qua bên Thủ Thiêm cho tới bây giờ vì ở đây thuận tiện hơn.

Năm 1890, nhà thờ bị mối mọt làm hư hại nhiều chỗ nhưng bổn đạo lại quá nghèo, không có phương tiện sửa chữa nên đành phải nhập chung vào Họ Xóm Chiếu.

Năm 1945, Họ Đạo được tái lập với tên mới là Vĩnh Hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét