Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Chứng cứ về thành cổ trong Cựu Ước

 

Chứng cứ về thành cổ trong Cựu Ước

Kết quả xác định đồng vị do các nhà khảo cổ học Áo cung cấp đã cho phép xác minh sự liên hệ giữa nội dung trong Cựu Ước và tàn tích của một cổ thành ở vùng Levant.

Các chuyên gia đã sử dụng phương pháp xác định đồng vị carbon để khám phá sự thật đằng sau những sự kiện được đề cập trong Cựu Ước về cổ thành Tel Gezer.

hình 4.jpg (85 KB)
Hiện Tel Gezer trở thành khu di tích khảo cổ, dồi dào những tàn tích từ thời kỳ đồ đồng và đồ sắt, hứa hẹn cung cấp những chi tiết về cuộc sống của người dân khi xưa

35 mốc thời gian

Áp dụng phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon, chuyên gia Lyndelle Webster cỉa Viện Hàn lâm Khoa học Áo và các đồng sự đã ghi nhận những mốc thời gian mới và cung cấp những thông tin chi tiết hơn về thời điểm diễn ra các sự kiện ở cổ thành Tel Gezer, theo báo cáo đăng trên chuyên san PLOS ONE.

Tel Gezer là thành phố được nhắc trong Cựu Ước, ở vùng nam Levant (chỉ Israel thời hiện đại, Palestine và Jordan). Tên của cổ thành được đề cập rộng rãi trong ghi chép của người Ai Cập, Assyria và Cựu Ước, và liên quan đến những câu chuyện về tranh giành quyền lực giữa các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Hiện Tel Gezer trở thành khu di tích khảo cổ, dồi dào những tàn tích từ thời kỳ đồ đồng và đồ sắt, hứa hẹn cung cấp những chi tiết về cuộc sống của người dân khi xưa. Các hoạt động khai quật gần đây tại khu vực đã dẫn đến những khám phá về một chuỗi địa tầng nối tiếp nhau. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu xác định được các mốc thời gian và thiết lập trình tự chính xác về những sự kiện từng xảy ra ở khu vực.

hình 1.png (1.08 MB)

Trong báo cáo mới, chuyên gia Webster và các đồng sự đã thu thập được 35 mốc thời gian về các nguyên liệu hữu cơ (chủ yếu là hạt) từ 7 tầng địa chất khác biệt ở Gezer. Những mốc thời gian này dao động từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 9 Trước Công nguyên, trùng với giai đoạn diễn ra vô số những thay đổi đáng kể tại thành phố. Các thay đổi bao gồm nhiều sự kiện hủy diệt, trùng tu, củng cố năng lực phòng vệ của Tel Gezer. Đặc biệt, một vài sự kiện có liên quan đến những câu chuyện cụ thể trong Cựu Ước.

Sự liên hệ trong Cựu Ước

Câu chuyện trong Sách Giôsuê (Joshua) về cuộc chinh phục lãnh thổ của người Canaan thuộc nam Levant do thủ lĩnh Joshua dẫn đầu dân Do Thái đã đề cập đến một “vua Ghedê (Gezer): “Bấy giờ, Hôram, vua Ghedê, lên cứu viện cho Lakhít, nhưng ông Giôsuê đánh bại nó cũng như dân của nó, đến nỗi không để một mạng nào sống sót”. Ngoài ra, Sách Các Vua 1 đã nhắc đến vua Solomon (Salômôn) và sự kiện cướp phá thành Gezer xảy ra vào đầu thế kỷ 10 Trước Công nguyên: “Đây là dịch vụ dân công vua Salômôn đã đặt ra để xây Đền Thờ Đức Chúa, cung điện của mình, công trình Milô, tường thành Giêrusalem, Khaxo, Mơghítđô và Ghedê. Pharaô vua Ai Cập đã tiến quân chiếm Ghedê, thiêu hủy thành và sát hại dân Canaan cư ngụ ở đó; rồi vua tặng làm của hồi môn cho ái nữ là phu nhân của vua Salômôn”. Khi ấy cổ thành bị chiếm và đốt phá bởi một vị pharaoh không nêu tên của Ai Cập trong chiến dịch quân sự ở Philistia. Kế đến, thành cổ bị vị pharaoh biến thành đồ cưới cho con gái trong cuộc hôn nhân chính trị với vua Solomon. Vị vua người Do Thái đã cho xây dựng lại và gia cố nơi này.

hình 2.png (1.09 MB)

Báo cáo cung cấp cơ sở dữ liệu chi tiết có thể dùng để xác nhận những ghi chép trong lịch sử và các văn bản cổ đại. “Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cung cấp trình tự theo niên đại đầu tiên dựa trên đồng vị carbon về Tel Gezer trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 13 đến thứ 9 Trước Công nguyên. Điều này cho phép chúng tôi có thể kiểm tra một cách độc lập về những mối tương quan giữa các lớp khảo cổ học cụ thể và những sự kiện được ghi chép lại có thật sự khả thi hay không nếu dựa trên quan điểm về trình tự thời gian”, theo tác giả Webster.

Chẳng hạn, dựa trên biên niên đại vừa được xây dựng, họ phát hiện Tel Gezer đã bị phá hủy dưới thời pharaoh Merneptah và Shishak, hai cái tên từng được đề cập trong Cựu Ước. Dữ liệu cũng xác nhận đã xảy ra một sự kiện khủng khiếp dẫn đến sự sụp đổ của Tel Gezer dưới thời pharaoh Shishak. “Đa số các bức tường của tòa nhà hành chính đã bị đổ về một hướng (theo hướng tây), và cả cấu trúc bị chôn vùi dưới lớp gạch bùn dày 1,5m. Đất đá lấp đầy một số căn phòng”, theo báo cáo. “Những người bên trong dường như đã nhận được cảnh báo về thảm họa đang ập đến, vì cả tòa nhà hầu như trong tình trạng vắng bóng con người vào thời điểm sụp đổ”, nhóm chuyên gia Áo ghi nhận.

hình 3.jpg (484 KB)

Tương tự, một sự kiện tàn phá “bất ngờ và dữ dội” liên quan đến pharaoh Merneptah dường như cũng góp phần dẫn đến ngày tàn của Tel Gezer. “Sự phá hủy của Tel Gezer có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như do con người hoặc tự nhiên. Thế nhưng, chúng tôi phát hiện ngày sụp đổ của cổ thành tương đồng với thời điểm pharaoh Merneptah triển khai chiến dịch và sau đó là tuyên bố của vị vua Ai Cập rằng ông đã chinh phục được Tel Gezer”, báo cáo nhấn mạnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét