Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

Tượng cổ Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng quay về với người Do Thái

 

Tượng cổ Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng quay về với người Do Thái

Ðức đã hoàn trả tượng Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng từng thuộc về một chủ ngân hàng gốc Do Thái trốn chạy dưới thời Ðức Quốc xã cho hậu duệ của ông.

Quỹ Di sản Văn Hóa Phổ (SPK), trụ sở tại Berlin, đã hoàn trả tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng được tạo tác vào thế kỷ 16 cho hậu duệ của ông Jakob Goldschmidt, chủ ngân hàng gốc Do Thái bị Đức Quốc xã truy đuổi và phải bỏ trốn khỏi Đức vào năm 1933.

Ông Goldschmidt


Những ngày tháng đen tối

Bức tượng mang tên “Maria Lactans” (Đức Mẹ Chăm Con) từng thuộc về, người phải sống lẩn trốn sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền ở Đức. Dù chạy trốn, cuối cùng ông cũng rơi vào tay Đức Quốc xã. Toàn bộ tài sản của ông bị tịch thu, bản thân ông Goldschmidt bị thu hồi quốc tịch Đức.

“Ông Jakob Goldschmidt rõ ràng là nạn nhân của một vụ thanh trừng cá nhân vào thời điểm khởi đầu của chế độ Đức Quốc xã”, Chủ tịch SPK Hermann Parzinger tuyên bố tại buổi lễ hoàn trả di vật hôm 31.1.

Theo thỏa thuận giữa Đức và Mỹ vào năm 1998 về xử lý tài sản trong giai đoạn bức hại Do Thái (tên tiếng Anh là Washington Conference Principles on Nazi-Confiscated Art), những tác phẩm nghệ thuật phải được hoàn trả cho chủ nhân ban đầu hoặc hậu duệ của họ sau khi chứng minh được rằng những tác phẩm này bị Đức Quốc xã tịch thu hoặc bán sang tay trong quá trình này.

Luật sư Sabine Rudolph, đại diện cho hậu duệ ông Goldschmidt, đã thay mặt thân chủ cảm ơn SPK xử lý tốt, bất chấp tình trạng phức tạp của vụ việc. Năm 2020, cũng chính luật sư Rudolph đã lên tiếng tranh luận rằng “chưa có chủ ngân hàng gốc Do Thái nào từng phải đối mặt với tình trạng thù địch như trường hợp của ông Jakob Goldschmidt”.

Tác phẩm “Sự phán xét cuối cùng”


Tác phẩm của bậc thầy

Ông Goldschmidt (1882- 1955) là doanh nhân kiêm chủ ngân hàng vô cùng giàu có trong thời kỳ giữa chiến tranh tại Đức, và vì thế lọt vào tầm ngắm của Đức Quốc xã vào giai đoạn đầu của chế độ này. Tháng 3.1933, Hitler lên nắm quyền tại Đức. Tháng 4 cùng năm, ông Goldschmidt rời nước sang Thụy Sĩ, trước khi di dân đến New York vào năm 1936. Bốn năm sau, chính quyền Đức tước bỏ quốc tịch của ông và tịch thu toàn bộ tài sản của nạn nhân ở Đức.

Sau thế chiến thứ nhất, ông Goldschmidt sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ, và trở thành một trong hai nhà sưu tập lớn nhất châu Âu vào thời điểm đó. Sau khi di dân, ông xoay xở đưa được một số tác phẩm khỏi Đức qua đường Hà Lan, nhưng đại đa số bộ sưu tập vẫn còn lại ở Đức. Những tác phẩm này sau đó bị Đức Quốc xã lần lượt bán đấu giá.

Tượng Maria Lactans - Đức Mẹ Chăm Con là tác phẩm điêu khắc được cho thuộc về nhóm của Bậc thầy Biberach vào thế kỷ 16 ở Swabia (miền tây nam nước Đức). Bậc thầy Biberach là một trong những nhà điêu khắc gỗ quan trọng nhất trong giai đoạn năm 1500 đến 1530, và tác phẩm nổi tiếng của ông là Sự phán xét cuối cùng, hiện được bảo quản tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Lyon.

Phiên đấu giá một phần bộ sưu tập

Khi nhà của ông Goldschmidt bị bán vào tháng 7.1933, toàn bộ các tác phẩm ở đây được đưa đưa đến văn phòng bỏ trống của ông. Ngày 23.6.1936, khoảng 300 tác phẩm lấy từ bộ sưu tập, bao gồm tượng Maria Lactans, được giao cho nhà Hugo Helbing tổ chức bán đấu giá. Nhà môi giới nghệ thuật Johannes Hinrichsen mua bức tượng với giá 8.000 Reichsmark và bán cho Bảo tàng Quốc gia tại Berlin cùng năm. Năm 1993, bảo tàng ở Berlin cho Bảo tàng Ulm mượn tác phẩm này.

Theo tổ chức Phổ, vốn quản lý hơn 20 bảo tàng và các viện văn hóa khác ở vùng Berlin, cuộc bán đấu giá vào năm 1936 được liệt vào dạng tổn thất liên quan đến bức hại dưới thời Đức Quốc xã dựa trên Washington Principles.

Ông Deidre Berger, Chủ tịch Hội đồng Dự án Phục hồi Văn hóa Kỹ thuật số Do Thái (JDCRP) trụ sở Berlin, gọi động thái hoàn trả tượng Maria Lactans cho hậu duệ của chủ ngân hàng quá cố là diễn tiến đáng khích lệ. JDCRP được thành lập năm 2019 với mục đích nghiên cứu và ghi nhận lịch sử về các tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã chiếm đoạt, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm về số tác phẩm này.

“Vào thập niên 1950, các tòa án của Đức dựa vào lập luận ‘gán nợ’ để bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào của gia đình Goldschmidt nhằm thu hồi phần nào bộ sưu tập của họ. Theo đó, ông Goldschmidt bị đổ lỗi góp phần gây nên tình trạng khó khăn về tài chính của Đức”, ông Berger bổ sung. Việc cuối cùng cũng hoàn trả bức tượng quý là lời nhắc nhở dư luận không nên lãng quên giai đoạn Đức Quốc xã đã chiếm đoạt vô số tác phẩm nghệ thuật và văn hóa trong quá khứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét