Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Vị giám mục sáng lập Ðại học Vienna

 

Vị giám mục sáng lập Ðại học Vienna

Ðc cha Albert xứ Saxony là triết gia và nhà toán học người Ðức, nổi tiếng với những đóng góp về logic và vật lý học. Ngài là Giám mc Halberstadt t năm 1366 đến khi qua đời năm 1390.

Đức cha Albert xứ Saxony được biết đến với nhiều tên khác nhau, như Albert xứ Helmstedt, Albert xứ Rickmersdorf hoặc biệt danh Albertucius (có nghĩa là “Albert Nhỏ” để phân biệt với thánh Albert Cả). Dựa trên ghi chép của Đại học Paris, ngài được trao bằng thạc sĩ khoa học xã hội của đại học này vào tháng 3.1351. Vì thế, đa số học giả cho rằng có lẽ năm sinh của Đức cha nằm trong khoảng từ năm 1316 đến 1320.

Tiểu sử và học vấn

Đức Giám mục Albert sinh ra ở ngôi làng nhỏ của Rickensdorf (hiện là bang Lower Saxony) gần Helmstedt, trong một gia đình nông dân. Tuy nhiên, nhờ vào tài năng thiên phú, từ nhỏ, ngài đã được gởi đến học tại Đại học Prague (CH Czech) và Đại học Paris (Pháp). Ở Paris, ngài trở thành giáo sư về khoa học xã hội và giữ chức vụ này từ năm 1351 đến 1362. Trong thời gian này, vị giáo sư uyên bác cũng theo đuổi môn thần học ở trường Sorbonne nhưng không lấy bằng cấp liên quan. Năm 1353, ngài được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Paris.

Ngài cũng là người có công thành lập Đại học Vienna. Sau năm 1362, giáo sư Albert trên cương vị phái viên của Công tước Rudolf IV (Áo) đã đến giáo triều của Đức Giáo Hoàng Urban V, lúc đó đặt ở Avignon (Pháp), để đàm phán việc thành lập Đại học Vienna (Áo). Cuộc đàm phán diễn ra thành công và ngài trở thành hiệu trưởng đầu tiên của đại học này vào năm 1365. Năm 1366, ngài được phong chức Giám mục Halberstadt (hiện thuộc bang Saxony-Anhalt), với Halberstadt là giáo phận nơi ngài chào đời.

Đại học Vienna

Sinh thời, vị giám mục nổi tiếng với nhiều tác phẩm về logic và triết học về khoa học tự nhiên. Trong lĩnh vực triết học, ngài chủ yếu chịu ảnh hưởng của triết gia nổi tiếng người Pháp Jean Buridan, nhưng cũng tiếp nhận tư tưởng của các nhà logic học người Anh. Bên cạnh sự ảnh hưởng từ Buridan, các tác phẩm của Đức cha kết hợp phân tích phê phán ngôn ngữ với nhận thức luận. Người đời sau đánh giá cao tầm quan trọng của ngài trong việc truyền bá logic thuật ngữ ở Trung Âu cũng như lan tỏa nền vật lý mới ở miền bắc nước Ý.

Sự đóng góp trong triết học và khoa học

Đến nay, các đại học vẫn còn lưu giữ những công trình và tác phẩm của Đức cha Albert xứ Saxony, nhưng chủ yếu dưới tên Albert xứ Halberstadt. Một số về logic học, số còn lại là vật lý học. Kết quả nghiên cứu những quyển sách của vị giám mục cho phép người đời sau hiểu được những trào lưu tư tưởng của Đại học Paris trong giai đoạn giữa thế kỷ 14.

Những chuyên luận về vật lý học của Đức cha Albert có thể kể đến “Tractatus proportionum” (Chuyên luận về tỷ lệ) và các câu hỏi xoay quanh những tác phẩm của triết gia Aristotle. Các chuyên luận này chứa đựng sự giải thích một cách rõ ràng, chính xác và ngắn gọn vô số ý tưởng có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của khoa học hiện đại.

Sinh thời, vị giám mục nổi tiếng với nhiều tác phẩm về logic và triết học

Trong đó, sự cân bằng của Trái đất và các đại dương là đề tài lý luận yêu thích của vị giám mục người Đức. Theo ngài, toàn bộ Trái đất ở trạng thái cân bằng khi trung tâm của trọng lực trùng với tâm của thế giới. Bên cạnh đó, khối lượng của đất có mật độ khác nhau ở những vị trí khác nhau, và phần nhẹ nhất của Trái đất nằm xa trung tâm trọng lực hơn là phần nặng nhất.

Sự xói mòn đến từ dòng chảy của các con sông liên tục đưa những phân tử đất từ các lục địa vào lòng biển. Và sự xói mòn do quá trình nạo vét các thung lũng đã tượng hình nên những ngọn núi, tạo nên những chuyển động vô tận giữa Trái đất và biển cả. Đến đầu thế kỷ 16, giả thuyết trên của Đức Giám mục Albert xứ Saxony đã thu hút sự chú ý cao độ của Leonardo da Vinci. Để chứng minh giả thuyết này, Leonardo dành nhiều thời gian quan sát nhiều hóa thạch.

Đức cha cũng đưa ra những phân tích liên quan đến chuyển động của vật phóng, gia tốc trọng trường và chuyển động của các thiên thể. Tuy nhiên, những cuốn sách về đề tài logic học mới là các tác phẩm xuất sắc nhất của ngài, nhất là khi ngài phân tích những nghịch lý về logic. Đức cha Albert xứ Saxony cũng là nhà toán học Đức nổi tiếng với vai trò truyền bá công trình nghiên cứu toán học của những nhà toán học khác, như Euclid, Archimedes, và đưa ra một số đề xuất thay thế.

Ngài qua đời ở Halberstadt vào năm 1390, và sách của vị giám mục sáng lập Đại học Vienna vẫn tiếp tục được xuất bản nhiều năm sau khi ngài về với Chúa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét