Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Nhà tiên phong của giáo dục khoa học hiện đại

 

Nhà tiên phong của giáo dục khoa học hiện đại

Cha Eugène Lafont chào đời ngày 26.3.1837 ở TP Mons (thủ phủ tỉnh Hainaut của Bỉ). Sau khi hoàn tất cấp 2 của trường Sainte-Barbe (thuộc dòng Tên) ở thành phố quê hương, năm 1854, cậu Lafont tiếp tục được học ở một trường của dòng Tên ở TP Ghent (tỉnh Oost-Vlaanderen) và sau đó đã xin gia nhập dòng. Kế đến, vị Giêsu hữu dạy học tại các trường dòng Tên ở Ghent (1857-1859) và Liège (1862-1863), trước khi lấy bằng cử nhân triết ở Tournai và khoa học tự nhiên ở Namur (1863-1865). Tại Namur, cha Lafont thể hiện năng khiếu rõ rệt trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm.


Sứ mệnh ở Ấn Độ

Năm 1859, Bề trên Tổng quyền của dòng Tên chọn tỉnh dòng Bỉ để thực hiện sứ vụ mở trường học cho những tín hữu Công giáo bản xứ ở Tây Bengal (Ấn Độ). Và nhiệm vụ quan trọng này được giao cho cha Henri Depelchin, thuộc cộng đoàn dòng Tên ở Namur. Cha Depelchin quen biết cha Lafont, cũng như niềm đam mê khoa học tự nhiên của ngài. Vì thế, theo đề nghị của cha Depelchin, cha Lafont được bề trên chọn làm giảng viên khoa học của Viện Thánh Xavier được sáng lập năm 1865 ở Ấn Độ.

Cùng năm, cha Lafont rời Bỉ đến Ấn Độ và đến được Calcutta (ngày nay tên Kolkata) vào ngày 4.12.1865. Ngay sau khi đến nơi, vị linh mục lập tức bắt tay vào việc giảng dạy. Khi ấy Viện Thánh Xavier mới thành lập được 5 năm và hầu như phải bắt đầu từ mọi thứ. Tuy nhiên, do cha không thể dạy khoa học mà thiếu các hoạt động thực nghiệm nên ngài đã nhanh chóng thiết lập phòng thí nghiệm ở trong khuôn viên trường, và nơi đây trở thành phòng thí nghiệm khoa học đầu tiên ở Ấn Độ thời hiện đại.

Mộ phần cha Eugene Lafont

Tháng 11.1867, tên của vị Giêsu hữu xuất hiện trên trên các đầu đề của những bản tin báo đài địa phương, nhờ vào việc thiết lập đài thiên văn dã chiến trên mái nhà của Viện Thánh Xavier. Tại đây, cha Lafont mỗi ngày ghi nhận các quan sát khí tượng, cho phép đưa ra dự báo với độ chính xác cao về một cơn bão đang ập đến. Chính quyền địa phương nhận được tin tức của ngài và nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ tổn thất nhiều nhân mạng.

Kể từ đó, các bản tin khí tượng do cha Lafont cung cấp được xuất bản thường xuyên trên ấn phẩm tuần san quan trọng ở Calcutta là tờIndo-European Correspondence.


Diễn giả xuất chúng

Năm 1870, cha Lafont đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và bắt đầu giảng cho công chúng. Thông qua đó, vị linh mục thể hiện năng lực thiên bẩm trong việc quảng bá các kiến thức khoa học theo lối dễ hiểu và công chúng dễ tiếp nhận. Mọi phát hiện khoa học lẫn phát kiến mới vào nửa cuối thế kỷ 19 đều được truyền bá rộng rãi ở Calcutta nhờ công của vị linh mục, và tất nhiên phải kèm theo bằng chứng thực nghiệm. Do vậy, dân Ấn Độ đều biết đến những phát minh như đèn chiếu ma thuật (tức máy chiếu), điện thoại, máy quay đĩa, máy chụp X quang, máy chụp ảnh…

Thông qua sự quen biết, cha Lafont đặt mua từ châu Âu những công cụ khoa học hiện đại nhất thời đó, như thiết bị đo khí tượng của nhà phát minh Angelo Secchi, linh mục dòng Tên đảm nhiệm vai trò Giám đốc Đài thiên văn của Đại học Giáo hoàng Gregory ở Rome (Ý).

Báo Indo European Correspondence

Năm 1873, cha được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Viện Thánh Xavier. Năm sau, một phái đoàn khoa học quốc tế lên đường đến thị trấn Midnapore cách Calcutta không xa để quan sát hiện tượng thiên văn hiếm là sao Kim đi qua Mặt trời. Vị linh mục người Bỉ quyết định tham gia cùng đoàn. Các quan sát của ngài về sự kiện đó đã làm lan tỏa tên tuổi của cha trong cộng đồng thiên văn thế giới.

“Sự nổi tiếng” bất ngờ cũng giúp cha vận động nguồn tài chính để xây đài thiên văn trên khuôn viên trường học, và tất nhiên phải được trang bị kính viễn vọng tối tân thời đấy.


Hiệp hội Khoa học Ấn Độ

Với sự hỗ trợ tài chính của nhà thiên nguyện Mahendra Lal Sircar, bạn của cha từ năm 1869, cha Lafont năm 1876 đã sáng lập Hiệp hội Ấn Độ về Trau dồi Khoa học. Mục tiêu đầu tiên và trên hết của tổ chức này là lan tỏa kiến thức khoa học, cho phép công chúng kịp thời nắm bắt những tiến triển mới nhất về nền khoa học của thế giới.

Viện Thánh Xavier

Từ những ngày đầu tiên thành lập, những bài giảng vào chiều thứ Năm hằng tuần của cha Lafont đã trở thành một trong những hoạt động chính của hội. Sau đó, hiệp hội được phát triển thành trung tâm nghiên cứu, góp sức cho nỗ lực nghiên cứu của nhà vật lý học người Ấn C.V. Raman (chủ nhân Nobel Vật lý năm 1930), và nhà vật lý K.S. Krishnan (người đứng sau giải Nobel Vật lý đầu tiên của châu Á).

Nhà bác học Jagadish Chandra Bose(1858-1937) là sinh viên và sau đó là bạn của cha Lafont. Khi ông Bose phát hiện cơ chế “điện báo không dây”, chính cha Lafont là người thể hiện và giải thích về phát hiện mới trước công chúng Calcutta vào năm 1897.

Các bài giảng của vị linh mục Bỉ tiếp tục mang đến thành công vang dội và chỉ chấm dứt khi ngài về hưu ở thị trấn Darjeeling của Tây Bengal, vài tháng trước khi qua đời vào năm 1908.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét