Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Cha Athanasius Kircher, danh nhân lỗi lạc thời Phục Hưng

 

Cha Athanasius Kircher, danh nhân lỗi lạc thời Phục Hưng

Linh mục và học giả dòng Tên Athanasius Kircher là nhà bác học của thế kỷ 17, nổi tiếng với kiến thức sâu rộng, và được xem là một trong những nhà khoa học có nhiều ảnh hưởng nhất của thời Phục Hưng.

Sinh ngày 2.5.1601 ở thị trấn Geisa (ngày nay thuộc Thuringia, Đức), cha Kircher học tiếng Hy Lạp và Do Thái cổ tại trường dòng Tên ở địa phương. Kế đến, ngài đến Paderborn, Cologne và Koblenz để học các ngành khoa học và nhân văn. Năm 1628, ở tuổi 27, ngài được truyền chức linh mục ở Mainz. Chiến tranh nổ ra ở Đức đã buộc vị linh mục phải rời nước và theo thời gian đến định cư ở Rome (Ý) vào năm 1634.


Vị Giêsu hữu uyên bác

Cha dành gần như cả cuộc đời còn lại ở Rome, và trở thành người tích lũy tri thức về khoa học và văn học đáng nể. Linh mục Kircher không những thu thập kiến thức từ khắp châu Âu mà còn thông qua mạng lưới rộng lớn của các nhà truyền giáo dòng Tên. Ngài đặc biệt quan tâm đến Ai Cập cổ đại và đôi khi còn được xem là nhà sáng lập ngành Ai Cập học vì những nỗ lực giải mã các chữ tượng hình và những hiện tượng liên quan khác.

Là nhà bác học nổi tiếng vào thời của mình, linh mục Kircher có phạm vi nghiên cứu rộng rãi, bao gồm địa chất học, thiên văn học, toán học, ngôn ngữ, y học và âm nhạc. Mỗi lĩnh vực đều thu hút sự quan tâm nhiệt thành của cha, và được vị linh mục người Đức áp dụng những biện pháp nghiên cứu khác nhau, từ học thuật truyền thống đến những thử nghiệm thót tim. Có lần, cha nhờ người đưa mình xuống miệng núi lửa Vesuvius ở vịnh Naple ngay sau khi núi lửa phun trào.

Một ví dụ khác được cha ghi lại trong 2 chương quyển Ars Magna Lucis et Umbrae (Nghệ thuật của ánh sáng và bóng tối) về cái gọi là phát quang sinh học. Theo đó, linh mục tiến hành thử nghiệm để xác định liệu chiết xuất từ đom đóm có thể dùng để thắp sáng các ngôi nhà hay không. Cha cũng là người chế tạo ra cây đàn Aeolian đầu tiên. Đây là nhạc cụ phổ biến vào cuối thế kỷ 18 và xuyên suốt thế kỷ 19.

Bản đồ thế giới do cha thực hiện với những ghi nhận đầu tiên về các dòng hải lưu


Suốt đời tận tụy tìm kiếm tri thức

Gần như cả cuộc đời kéo dài 78 năm, cha Kircher sống và làm việc 40 năm ở Đại học La Mã, nền tảng học thuật của dòng Tên. Tại đây, vị Giêsu hữu được công nhận là nhà bác học vĩ đại và thích khám phá, tìm tòi, cũng như thuộc số những nhà tư duy nổi tiếng và đa tài nhất của thế kỷ 17.

Cha viết khoảng 44 quyển sách, và hơn 2.000 bản thảo cũng như thư từ của ngài còn được bảo tồn đến ngày nay. Sách và bản thảo của cha chứa đầy những hình ảnh về đủ đề tài bí ẩn, từ obelisk (kiến trúc bút đá tháp), xác ướp, các đền thờ Aztec, những vị thần hoa sen, Brahmin, Phật giáo, núi lửa, hóa thạch, đến các thiết bị từ tính, đồng hồ hoa hướng dương, nhện tarantula, bản đồ về lục địa Atlantis huyền thoại…

Ảnh minh họa về hoạt động bên trong lòng đất theo sách của cha Kircher

Hầu như không có lĩnh vực nào đương thời mà vị linh mục chưa bắt tay tìm hiểu, nghiên cứu. Cha Kircher cũng tìm hiểu phần lớn những ngôn ngữ phổ biến, với độ am hiểu khác nhau. Những câu trả lời về thế giới mà ngài đang sống, quá khứ lẫn hiện tại, giúp vị linh mục người Đức trở thành người có uy tín rất lớn với công chúng và giới học giả cùng thời. Cha Kircher được so sánh với thiên tài Leonardo da Vinci và nhà bác học - linh mục dòng Tên Roger Joseph Boscovich vì mối quan tâm rộng khắp. Nỗ lực tìm kiếm tri thức đã giúp linh mục được công nhận danh hiệu “Bậc thầy của trăm môn nghệ thuật”.

Công trình của cha Athanasius Kircher

Dù nhiều người không công nhận phần lớn các đóng góp của vị linh mục dòng Tên vì chưa đủ tính thuyết phục khi được kiểm chứng bằng những biện pháp khác, cha Kircher vẫn được dành một vị trí trang trọng trong lịch sử tri thức nhân loại, nhờ vào các hoạt động nghiên cứu với số lượng hơn hẳn những người cùng thời. Bên cạnh đó, ngài còn thu thập một trong những bộ sưu tập lịch sử tự nhiên đầu tiên của thế giới. Sau thời gian dài được bảo tồn tại bảo tàng mang tên cha là Museo Kircheriano ở Rome, di sản quý giá này được chia lại cho nhiều viện nghiên cứu.

Trong vài thập niên gần đây, cộng đồng học giả bắt đầu một lần nữa quan tâm về cuộc đời và thành quả nghiên cứu của linh mục Kircher. Vị Giêsu hữu được người thời này gọi bằng những cái tên yêu quý, như “người của những kỳ quan”“nhà thông thái cuối cùng” (của thời Phục Hưng)...

Thí nghiệm về âm học của vị Giêsu hữu vào năm 1684

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét