Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Người đầu tiên tìm ra trứng khủng long là một linh mục

 

Người đầu tiên tìm ra trứng khủng long là một linh mục

Sau nhiều năm nhầm lẫn, giới khoa học đã trả lại công bằng cho một linh mục ở Pháp, sau khi xác nhận ngài là người đầu tiên phát hiện trứng khủng long trên thế giới chứ không phải là một nhân vật nổi tiếng nào khác.

Khi Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ Roy Chapman Andrews quay về nước sau chuyến khám phá sa mạc Gobi (Trung Quốc) vào năm 1923, báo chí đua nhau phỏng vấn ông về một đề tài duy nhất: trứng khủng long. Theo những gì giới truyền thông loan tải thời đó, nhóm của ông Andrews đã mang về những quả trứng khủng long đầu tiên. Những bài báo “độc quyền” khai thác cặn kẽ các chi tiết liên quan đến cuộc thám hiểm, thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận về các đề tài cổ sinh vật học. Tuy nhiên, không ai biết được con người đã tiếp cận được những quả trứng đầu tiên cách đó nhiều thập niên, nhờ vào công của một linh mục ở Pháp.

Tạp chí Smithsonian đã nhắc đến cái tên hiếm người biết, nhưng lại là nhà tự nhiên học đầu tiên khám phá và mô tả vỏ của các quả trứng thuộc về những sinh vật đã tuyệt chủng. Ðó là linh mục Jean-Jacques Pouech (1814-1892). Cha là kinh sĩ của giáo xứ Chánh tòa Pamiers, giáo phận Pamiers, miền nam nước Pháp. Nhưng trong thời gian rảnh rỗi, ngài lại theo đuổi niềm đam mê về địa chất học và cổ sinh vật học. Sau thời gian làm việc, ngài lặn lội đến rặng núi Pyrenees để nghiên cứu trầm tích và hóa thạch vào thời cuối Kỷ Phấn Trắng. Cha Pouech lần đầu tiên công bố phát hiện lạ của mình trong một báo cáo vào năm 1859. Tạp chí Smithsonian đã dẫn lại một đoạn trong ghi chép của vị linh mục:

“Ðiều ấn tượng nhất là những mảnh trứng với các kích thước vô cùng lớn. Thoạt đầu, tôi cho rằng chúng có lẽ là vỏ bọc của một loài bò sát nào đó, nhưng độ dày ổn định giữa hai bề mặt song song một cách hoàn hảo, cấu trúc sợi của chúng…, và đặc biệt là độ cong bình thường của mẫu vật, tất cả đều cho thấy chúng là những quả trứng khổng lồ, ít nhất lớn gấp 4 lần so với trứng đà điểu”. Hoàn toàn có thể hiểu được lý do cha Pouech so sánh những quả trứng quá khổ này với trứng đà điểu - loài chim lớn nhất còn tồn tại trên thế giới hiện nay - và ngài đặt giả thuyết chúng thuộc về những con chim cỡ lớn. Dù không chính xác, đây là kết luận khá hợp lý của vị linh mục, vì hiện nay giới khoa học xác định được khủng long và loài chim có mối liên hệ rất gần gũi về mặt di truyền và tiến hóa.

Hang Mas d'Azil

Vào thời điểm cha Pouech viết xuống những dòng chữ trên, tức vào giữa thế kỷ 19, cụm từ “khủng long” hoàn toàn mới mẻ, và trước đó chưa có một ai từng nghiên cứu những quả trứng hóa thạch này. Vì thế, phát hiện của vị linh mục Pháp không nhận được sự chú ý trong cộng đồng khoa học, và sau khi các mẫu vật được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp, cha Pouech từ bỏ ý tưởng ban đầu của mình. Cho đến khi qua đời, ngài vẫn cho rằng chúng là vỏ của một loài thú có mai đã tuyệt chủng.

Bộ sưu tập của cha Pouech hiện do Toà Giám mục Pamiers quản lý

Vụ việc đã được xếp lại và bị chìm vào quên lãng suốt 130 năm, cho đến năm 1989, khi hai nhà cổ sinh vật học người Pháp Eric Buffetaut và Jean Le Loeuff nghiên cứu bộ sưu tập do tiền bối Pouech để lại. Với hơn 100 năm có thêm kiến thức do nhân loại thu thập được từ các phát hiện hóa thạch, các chuyên gia Buffetaut và Le Loeuff tự tin khẳng định chúng thuộc về các loài khủng long. Sau nhiều thập niên tri ân sai người, giờ đây người thời nay đã biết được ai là nhà sinh vật học đầu tiên tìm được trứng khủng long: linh mục Pouech chứ không phải nhà thám hiểm Andrews. Hiện Wikipedia đã ghi rõ cha Jean-Jacques Pouech là người đầu tiên ghi nhận tài liệu khoa học về trứng khủng long, mở ra một trang mới trong lịch sử nghiên cứu cổ sinh vật học cho nhân loại. Ðáng tiếc là không còn hình ảnh của ngài được lưu giữ đến ngày nay.

“Kho báu” về khoa học tự nhiên

 

Cha Jean-Jacques Pouech là nhà tự nhiên học, địa chất học và cổ sinh vật học đã có nhiều khám phá quan trọng cho nền khoa học của Pháp và thế giới. Cha thường thu thập các mẫu đất đá, khoáng thạch hoặc đến khảo sát, đo đạc, khai quật tại các khu khảo cổ ở dãy núi Pyrenees như hang Mas-d’Azil. Ngoài trứng khủng long, những gì mà ngài thu thập và ghi chép được trong các chuyến đi thực địa là nguồn thông tin quý giá cho các nhà khoa học hậu sinh. Phần sổ tay của cha Pouech khoảng 10.000 trang, gồm toàn bộ các ghi chép từ năm 1848-1892, đang được số hóa để nhiều chuyên gia có thể tiếp cận. Bộ sưu tập khổng lồ của vị linh mục về địa chất học và cổ sinh vật học hiện thuộc sở hữu của Tòa Giám mục Pamiers, đồng thời được chính quyền tỉnh Ariège và phòng nghiên cứu Cổ sinh vật học Toulouse hỗ trợ bảo quản. Bộ sưu tập này hằng năm vẫn được mang ra triển lãm một phần cho công chúng. Gần đây nhất là hội thảo - trưng bày có tên“Cha Pouech và khởi đầu của thời tiền sử tại Ariège. Nhìn lại những di sản của một nhà tiên phong không được biết đến” (ảnh) vào cuối tháng 6.2019 do tỉnh Ariège tổ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét