Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Thiên Nhãn trong nhà thờ Chúa Biến Hình trên núi Tabor, Israel

 

Thiên Nhãn trong nhà thờ Chúa Biến Hình trên núi Tabor, Israel

Núi Tabor, Israel


1.Núi Tabor cao 575 mét, ở vùng Hạ Galilee của Israel, nằm ở đầu phía đông thung lũng Jezreel, cách biển hồ Galilee 17 cây số về phía tây. Núi Tabor được xác định là nơi Chúa Giêsu đã biến hình. Phúc Âm theo Thánh Mátthêu (17:1-6) chép:

“Sáu ngày sau [khi đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê (Mátthêu 16:13)], Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.” (Bản dịch 2011, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)


2.“Nhà thờ Chúa Biến Hình(Church of the Transfiguration) được dòng Phanxicô xây cất trên đỉnh núi Tabor từ năm 1919 tới 1924, theo bản vẽ của Antonio Barluzzi (1884-1960), kiến trúc sư người Ý.

Mái vòm trong Cung Thánh nhà thờ Chúa Biến Hình là một bích họa (fresco) miêu tả Con Mắt của Đức Chúa Trời (Thiên Nhãn) tỏa chiếu hào quang chói lọi và hai vị thiên thần đang cung kính chầu hai bên.

Nhà thờ Chúa Biến Hình trên núi Tabor

3.Con Mắt Thiên Chúa(Eye of God) bên trong hình tam giác với hào quang tung tỏa chung quanh là biểu tượng được thấy trong nhiều bối cảnh văn hóa, tôn giáo, và huyền học (mysticism) Đông Tây kim cổ.

Con mắt này tượng trưng sự toàn tri của Thiên Chúa (God’s omniscience), giám sát tất cả mọi thụ tạo trên thế gian. Nói cách khác, Thiên Chúa biết tất cả mọi việc lớn nhỏ xảy ra trên thế giới, và không một điều gì có thể che giấu Ngài vì Ngài có “Con Mắt nhìn thấu suốt tất cả” (All-Seeing Eye).

Năm 1853 Victor Hugo (1802-1885) khéo diễn tả con mắt toàn tri của Thiên Chúa, nhìn thấu suốt tất cả mọi điều lành sự dữ trên thế gian, qua bài thơLa Conscience(Lương Tâm). Bài thơ này căn cứ theo tội ác của Cain (con trai Adam và Eva) được tường thuật trongCựu Ước.

Cung thánh nhà thờ Chúa Biến Hình - ảnh: Joao Roberto Camarneiro

Bởi lẽ không kiềm chế nổi lòng ganh tỵ thiêu đốt tâm can nên Cain tự tay giết chết em ruột là Abel. Sau đó, vì luôn luôn bị con mắt Thiên Chúa nghiêm khắc phán xét, Cain sợ hãi trốn chạy khắp nơi, nhưng trốn đâu cũng không thoát con mắt ấy. Chẳng hạn, khi Cain tìm chỗ nghỉ qua đêm dưới chân một ngọn núi, thì:

Riêng Cain nằm trằn trọc canh khuya

Ngửa mặt nhìn vòm cao ảm đạm

Thấy một con mắt mở trừng trừng

Nhìn lão chằm chằm trong đêm vắng

Vô phương trốn chạy con mắt của Thiên Chúa, Cain bèn nghĩ tới cách sau cùng:

Ta muốn ở sâu dưới đất

Như một kẻ đáy mồ thui thủi sống cô đơn

Ta khuất mắt với đời, đời với ta khuất mắt!

Hầm sâu đào xong, Cain chưa kịp mãn nguyện, thì:

Một mình ông già bước tới trong vòm tối

Khi đã ngồi yên vị giữa lòng đêm

Và chiếc nắp cũng buông trên mái đầu tội lỗi

Con mắt trong mồ sâu... con mắt vẫn nhìn!

Bản dịch của Khương Hữu Dụng (1907-2005)

Bài thơ của Hugo xuất bản năm 1859; đến năm 1867, họa sĩ François Chifflart (1825-1901) đã vẽ con mắt của Thiên Chúa phán xét Cain là mắt trái(Thiên Nhãn của đạo Cao Đài cũng là con mắt trái.)

Tranh của François Chifflart

Cùng một đức tin như nói trên, đạo Lão (Trung Hoa) có quyểnNgọc Hoàng Cứu Kiếp Chân Kinh玉皇救劫眞經 (80 trang ruột), in năm Quang Tự (1907) nhà Thanh. Trong kinh diễn tả Con Mắt của Trời như sau:“vạn loại thiện ác tất kiến”萬類善惡悉見 (thấy hết tất cả mọi điều lành dữ, thiện ác của muôn loài vạn vật). Bản kinh có câu này đến năm 1926 trở thành bài kinh chánh thức của đạo Cao Đài để xưng tán Đức Thượng Đế vào bốn giờ cúng (Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu) trong ngày.

Vị môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài là ngài Ngô Văn Chiêu (1878-1932) lần đầu tiên nhìn thấy Thiên Nhãn hiển hiện trên biển Dương Đông (Phú Quốc) vào lúc tám giờ sáng Thứ Tư 20-4-1921 (13-3 Tân Dậu). Nhưng, trước sự kiện đó thì từ xa xưa người Việt vẫn hay nói:“Trời cao có mắt.Tương tự, người Hoa nói: “Cao Thiên hữu nhãn高天有眼;Hoàng Thiên hữu nhãn皇天有眼 (ông Trời có mắt); “Lão Thiên hữu nhãn” 老天有眼 (Trời già có mắt);“Thiên giám tại hạ” 天監在下 (Trời nhìn xuống thế gian).


4.Hình tam giác bao lấy Con Mắt cũng là một biểu tượng phổ quát xưa nay trên thế giới.

Một hình tam giác đều tượng trưng cho tính cân bằng và hài hòa. Khi tam giác hướng đỉnh lên trên, đây là biểu tượng cho sự thăng tiến, hướng thượng.

Tam giác liên hệ tới số ba, một con số huyền nhiệm trong nhiều nền triết giáo Đông Tây. Chẳng hạn, theo Đạo Đức Kinh (chương 42) thì “Đạo sinh nhất. Nhất sinh nhị. Nhị sinh tam. Tam sinh vạn vật.” 道 生 一. 一 生 二. 二 生 三. 三 生 萬 物. (Đạo sinh một. Một sinh hai. Hai sinh ba. Ba sinh muôn vật.) Vậy, số ba là số sinh sinh hóa hóa.

Cũng có thể nói, theo tín lý Kitô Giáo, hình tam giác gợi ra sự liên tưởng tới Thiên Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần).

Một ô cửa sổ trên tường Đền Thánh của Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh

5. Tam giác bao lấy Con Mắt với hào quang tung tỏa chung quanh như được vẽ trên mái vòm trong Cung Thánh nhà thờ Chúa Biến Hình là một biểu tượng rất gần gũi với tín đồ đạo Cao Đài, vì ở hai bên tường Đền Thánh của Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh có nhiều ô cửa sổ thể hiện hình ảnh này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét