Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Nhà thờ Chánh tòa Chúa Kitô ở Quận Cam

 

Nhà thờ Chánh tòa Chúa Kitô ở Quận Cam

Thánh lễ đã được cử hành trọng thể vào ngày 17.7, chính thức cải tên nhà thờ Pha lê, hay nhà thờ Kiếng, thành nhà thờ Chánh tòa Chúa Kitô. Giáo phận Quận Cam không cần phải bắt tay từ con số 0, nhưng vẫn nỗ lực không nhỏ để biến nhà thờ Pha lê thành nơi thờ phượng của Công giáo. Tổng chi phí cho dự án cải tổ và trùng tu là 77 triệu USD, và phải mất 7 năm để hoàn tất, theo trang tin Catholic News Agency.

Sự lột xác

Giáo phận Quận Cam đã mua nhà thờ từ Giáo hội Tin Lành vào tháng 2.2012 với giá 57,5 triệu USD sau khi vị coi sóc nơi này là mục sư Robert Schuller nộp đơn xin phá sản vào tháng 10.2010 vì nợ nần. Nhà thờ rộng 7.250 m2, có chiều dài hơn 120m, cao 30m và có sức chứa 2.100 người. Công trình kiến trúc đáng nể được ghép từ khoảng 11.000 mảnh kiếng, nên trước đó còn gọi là nhà thờ Kiếng, và nội thất đã được thay đổi cho phù hợp với Công giáo.

Khuôn viên nhà thờ bao gồm 7 tòa nhà, trải rộng trên 14 hécta. Một kiến trúc sư từng có mặt vào thời điểm kiến trúc sư chính Philip Johnson vẽ thiết kế đã chia sẻ rằng, mục sư Schuller “muốn một tòa nhà nhưng không phải là một tòa nhà, theo kiểu chúng ta có mặt bên trong nhưng vẫn cảm thấy như thể mình đang ở ngoài trời, và thế là kiến trúc chủ đạo là kiếng”. Theo thỏa thuận ban đầu với bên bán, giáo phận Quận Cam đồng ý duy trì phần ngoại thất của tất cả các tòa nhà, bao gồm nhà thờ Pha lê. Còn bên trong, theo ông Tony Jennison, Phó Chủ tịch chuyên trách hoạt động bác ái của giáo phận Quận Cam, toàn bộ nội thất giờ đây đã hoàn toàn khác xưa.

Ðức Giám mục Kevin Vann đã tiếp nhận công việc phức tạp là tu sửa ngôi thánh đường khi được bổ nhiệm làm chủ chăn Quận Cam vào tháng 9.2012. Ngài vẫn còn nhớ như in thời khắc lần đầu tiên đặt chân vào nhà thờ. “Tôi nghĩ, làm thế nào để có thể biến nơi này thành địa điểm thờ phượng Thiên Chúa theo kiểu Công giáo?”. Giờ đây, sau 7 năm, vị giám mục thở phào nhẹ nhõm vì giáo phận đã làm được “với nhiều thiện chí, sự siêng năng nghiên cứu và khảo sát cùng vô vàn lời cầu nguyện”. Một trong những thay đổi dễ thấy nhất là việc bổ sung một bàn thờ được làm từ đá và đá hoa cương Carrara do đích thân Ðức cha Vann đến tận Verona của Ý để chọn lựa. Ngài và kiến trúc sư muốn bàn thờ trở thành tiêu điểm của không gian bên trong, thay cho trước đó là một chiếc đàn đại phong cầm bằng gỗ màu nâu khổng lồ tên The Hazel Wright.

Nhà thờ của sự đa dạng sắc tộc

“Chúng tôi sơn lại (đàn đại phong cầm) thành màu trắng để nó phù hợp với khung cảnh hiện nay. Mọi sự tập trung sẽ dồn vào bàn thờ”, theo ông Jennison. Bên dưới bàn thờ là hòm chứa thánh tích bằng đồng, do thầy William Woeger (Tổng Giáo phận Omaha) thiết kế. Ở quận Cam, các thánh tích phản ánh sự đa dạng về chủng tộc của các giáo dân tại đây. Thánh tích đầu tiên mà nhà thờ nhận được là thánh Anrê Dũng Lạc, vị thánh Việt Nam tử đạo vào năm 1839, cũng là vị quan thầy của giáo phận Quận Cam. Kế đến là thánh tích của các thánh tử đạo Hàn Quốc, Bắc Mỹ và Mexico. Phía trên bàn thờ khoảng 9m đang treo màn trướng và cây thánh giá thép trọng lượng 454 kg, cùng bức tượng Chúa Kitô bằng gỗ. Bản thân thánh giá cũng được nạm đá quý tuyệt đẹp.

Một sự thay đổi đáng chú ý khác là việc gắn thêm 11.000 mảnh “bốn lá” lên các ô kiếng tạo thành các bức tường và trần của nhà thờ chính, với chi phí khoảng 6 triệu USD. Mỗi mảnh được làm từ 4 hình tam giác, được đặt ở những cạnh khác nhau để làm chệch hướng tia tử ngoại, góp phần tản nhiệt, giúp cách âm và cho phép ánh sáng phát tán tốt hơn. “Từ bên trong, kiến trúc dạng này giúp lọc ánh sáng. Còn từ bên ngoài, cách bố trí ấy biến cả cấu trúc như là một hộp chứa đầy các vì tinh tú vào ban đêm”, theo ông Jennison. Cha sở của nhà thờ, linh mục Christopher Smith đặc biệt ưa thích sự sắp xếp trên: “Tôi thật sự nghĩ rằng nó mang đến nét thiêng liêng và an lành cho nhà thờ”.

Nội thất nhà thờ đã được thay đổi cho phù hợp với Công giáo

Bên cạnh đó, nhà thờ Chánh tòa Chúa Kitô cũng được thiết kế để có thể chịu đựng trận động đất mạnh đến 8 độ Richter. Hiện đàn The Hazel Wright với hơn 17.000 ống, được công nhận là đàn đại phong cầm lớn thứ 5 trên thế giới, vẫn đang chờ thời điểm thích hợp để đưa vào nhà thờ. Ðược đặt biệt danh trìu mến là “Hazel”, nó được tháo ra và chở đến xưởng Fratelli Ruffatti ở Padua (Ý) vào năm 2014 để tu sửa. Sau ngày 17.7, các tín hữu Công giáo có thể tham dự thánh lễ vào mỗi Chúa nhật, và đến đầu năm 2020, nhà thờ sẽ mở cửa mỗi ngày cho giáo dân và du khách đến cầu nguyện, sau khi đàn The Hazel Wright vào vị trí.

Công trình kiến trúc đáng nể được ghép từ khoảng 11.000 mảnh kiếng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét